Chuyện thật, khó tin

Trường tiểu học có hơn... 100 lớp

“Giáo viên phải vắt kiệt sức để làm việc, chúng tôi đã chọn nghiệp là phải chấp nhận nhưng các em học sinh có tội tình gì mà phải chịu cảnh học tập quá thiếu thốn, thiệt thòi về mọi mặt, đây là sự bất công lâu nay các em phải gánh chịu…”, nhiều giáo viên ở Trường TH An Hội không khỏi bức xúc khi nói với PV Báo SGGP. 
Trường tiểu học có hơn... 100 lớp

“Giáo viên phải vắt kiệt sức để làm việc, chúng tôi đã chọn nghiệp là phải chấp nhận nhưng các em học sinh có tội tình gì mà phải chịu cảnh học tập quá thiếu thốn, thiệt thòi về mọi mặt, đây là sự bất công lâu nay các em phải gánh chịu…”, nhiều giáo viên ở Trường TH An Hội không khỏi bức xúc khi nói với PV Báo SGGP. 

  • Ám ảnh từ những giờ dạy học 

Mới hơn 6 giờ sáng nhưng Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) đã giống như cái “lô cốt” mới dựng với cảnh chen lấn, ồn ào vì hàng ngàn xe máy, xe đạp của phụ huynh chở con đi học bị kẹt cứng kéo dài hàng chục mét trước cổng trường.

Phải mất gần cả tiếng đồng hồ học sinh mới có thể vào được lớp học. “Cảnh này hầu như đều diễn ra mỗi ngày, không kẹt xe mới là sự kiện lạ, tôi còn phải đi trước 5 giờ sáng để mở cổng trường và hướng dẫn các cháu vào lớp”, bảo vệ Trường TH An Hội than. 

Trường TH An Hội có đến 103 lớp học, với hơn 5.300 học sinh, sĩ số gấp 3 lần so với quy định của Bộ GD-ĐT (quy định mỗi trường tiểu học không quá 35 lớp học và sĩ số mỗi lớp chỉ khoảng 30-35 học sinh).

Thế nhưng, ở một ngôi trường có số lớp, số học sinh đông đến kinh hoàng, trung bình mỗi lớp 50 học sinh, có lớp 59 học sinh. Chỉ bước vào sân trường đã thấy một không khí ồn ào thoát ra từ phía các phòng học. Các phòng học đều phải trang bị bộ âm thanh, giáo viên giảng bài bằng micro, nhưng học sinh ở các phòng học phải nghe đủ thứ âm thanh từ các phòng bên nên khó mà tưởng tưởng các em làm sao để tiếp thu được lời thầy cô giảng bài.

Học sinh phải ngồi chen chúc trong lớp học tạm bợ ở cầu thang. Ảnh: L.LONG

Học sinh phải ngồi chen chúc trong lớp học tạm bợ ở cầu thang. Ảnh: L.LONG

Năm ngoái, trường đã phải mượn thêm sảnh của Trường THCS Phạm Văn Chiêu bên cạnh để ngăn thành 3 phòng học, năm nay sĩ số các khối tăng đến 10 lớp nên phải mượn thêm 4 phòng, các phòng ở đây nếu quan sát từ bên ngoài qua các song cửa sổ thì không thể gọi là lớp học. Cửa chính không có, chỉ có cửa ở phía dưới lớp học, phòng thì chật và tối, vách ngăn phòng sơ sài. 

  • Phòng y tế trường học hay... bệnh viện nhi 

Quay trở lại cơ sở chính của Trường TH An Hội, đi ngang phòng y tế khoảng hơn 20m² mà trông như một bệnh viện nhi đồng. HS lúc nào cũng tấp nập ra vô, nhưng chỉ có 1 nhân viên y tế và 1 phụ việc làm không kịp nghỉ tay vì HS của trường quá đông, lại đang mùa dịch bệnh.

Các phòng chức năng để giảng dạy hầu như không có, thậm chí không có cả phòng giáo viên. Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, khối trưởng khối lớp 1, rơi nước mắt tâm sự: “Tụi tui dạy xong muốn nghỉ một lát cũng không có phòng, phải lang thang hết phòng này đến phòng khác. Sĩ số khối lớp 1 mới nghe đã thấy chóng mặt, đông hơn cả một trường tiểu học với hơn 1.440 HS, các lớp hoàn toàn không có bán trú. Sĩ số HS quá đông nên mỗi lớp chỉ có một giáo viên, các cô vừa phải làm công tác chủ nhiệm, dạy tất cả các môn, kể cả nhạc họa, thể dục…”.

Gắn bó với trường 25 năm nay nhưng cuộc sống mỗi ngày của cô Lan đều không khá hơn, vẫn phải ở nhà thuê vì cả hai vợ chồng đều là giáo viên. “Tui dạy ở đây khi khối lớp 1 chỉ có 4 lớp mà đến nay khó có thể tin được với số lớp tăng vọt: 29 lớp. Áp lực tăng hàng năm, chúng tôi gần như kiệt sức vì hàng ngày phải dạy tất cả các môn với số HS trong lớp tăng gấp đôi, gào khản cả giọng. Tối đến về nhà lại phải chấm điểm 200 cuốn tập học sinh…”.  

Học sinh đông, giáo viên thiếu nên dù có bầu gần đến ngày sanh, đi lại rất nặng nề nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, giáo viên của trường hàng ngày vẫn phải đến lớp để dạy.

Một giáo viên bức xúc: “Gần trường chúng tôi mới có một trường tiểu học chuẩn quốc gia đưa vào sử dụng nhưng chỉ có khoảng 30 phòng học. Xây trường chuẩn quốc gia để làm gì khi chưa giải quyết hết được chỗ học cho trẻ, liệu có công bằng với các em khi các em cùng ở một phường nhưng em có tiền thì được học trường tốt, trẻ nghèo thì phải học ở những trường như chúng tôi”. 

Sự quá tải về sĩ số ở Trường TH An Hội đã đã dẫn đến tình trạng giáo viên không thể quản lý hết được học sinh, sau giờ học một buổi ở trường, ba mẹ bận làm việc nên không ít học sinh tìm đến tiệm internet (hẻm 61 Nguyễn Văn Chiêu, kế bên trường) chơi game, nhiều phụ huynh phải gởi con ở nhà dân để đi làm mà không biết con mình ăn gì, được nuôi dạy như thế nào?!

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM bức xúc: “Chưa có một trường nào lại đông HS như Trường TH An Hội. Không thể gọi đây là một môi trường giáo dục được. Đề nghị địa phương nhanh chóng có biện pháp giải quyết tình trạng này để có chỗ học cho HS, và có chế độ bù đắp cho đội ngũ giáo viên đang từng ngày, từng giờ vắt kiệt sức mình cho các em HS” 

LÊ LINH 

Hiệu trưởng Trường TH An Hội, Huỳnh Thị Thủy Ngân: 

40% học sinh không có khả năng đóng học phí 

Ngoài HS phường 8, trường phải nhận thêm hơn 4.000 HS phường 12 (không có trường tiểu học), phường 9 và 14 nên trường hiện nay là trường tiểu học có số HS đông nhất so với các trường trong cả nước.

Sĩ số quá đông nên để quản lý và dạy dỗ hơn 5.000 HS rất vất vả, đặc biệt là rèn luyện HS yếu kém rất khó.

Thật sự HS của trường sẽ không có điều kiện để học tốt như các trường khác. Nói thật ra là các em phát triển chậm hơn các trường khác vì không được tham gia các hoạt động khác.

Trường rất khó thực hiện theo chỉ đạo của ngành là “dạy và học theo hướng cá thể hóa”.

Buồn nhất là dù cán bộ, giáo viên trường vắt kiệt sức để làm việc nhưng chúng tôi cũng đành bất lực vì không có kinh phí để hỗ trợ. Bởi 40% HS thuộc diện không có khả năng đóng học phí nên nhà trường luôn bị thất thu.

Tin cùng chuyên mục