Hoãn công bố điểm thi tốt nghiệp THPT tại một số tỉnh ĐBSCL

Do chấm sai môn Văn?

Chưa có tiếng nói chung
Do chấm sai môn Văn?

Sau khi nhận được báo cáo của một số địa phương ĐBSCL về kết quả thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua thấp bất thường, Bộ GD-ĐT đã tạm hoãn công bố điểm và cử đoàn thanh tra đến làm rõ vụ việc.

Chưa có tiếng nói chung

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 xem kết quả tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 xem kết quả tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Chiều ngày 19-6, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Hôm nay 20-6, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ vào làm việc tại Bến Tre (địa phương chấm thi cho Đồng Tháp), sau đó là An Giang (địa phương chấm thi cho Kiên Giang) và Đồng Tháp, Kiên Giang để làm rõ việc điểm thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quá thấp.

Trước đó, sau khi biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên tại Kiên Giang rất sững sờ khi thấy điểm thi môn Văn thấp khó hiểu. Mặc dù điểm của các môn đã hoàn tất, nhưng Sở GD-ĐT Kiên Giang đã phải chỉ đạo các trường hoãn công bố; đồng thời gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Theo số liệu ban đầu, tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi môn Văn từ điểm 5 trở lên tại Kiên Giang chỉ khoảng 20%; trong khi tỷ lệ này năm 2008 là 75%.

Theo ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, kết quả môn Văn quá thấp không phải lỗi do thầy hay chất lượng học sinh kém mà do các tỉnh chưa có sự thống nhất trong việc vận dụng đáp án của bộ, thậm chí quá cứng nhắc. Cùng một bài thi nhưng theo quan điểm của mỗi người chấm lại khác nhau.

Cũng như Kiên Giang, tại Đồng Tháp, An Giang tỷ lệ học sinh đạt điểm Văn trên trung bình cũng rất thấp. Cụ thể, Đồng Tháp chỉ đạt 21,88%, An Giang đạt 42,23%. Dù đã đưa kết quả về các trường THPT, song do nhận được nhiều phản ứng từ phía giáo viên nên Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã gấp rút có văn bản xin ý kiến bộ hoãn công bố.

Theo nhiều giáo viên tham gia chấm thi Văn tại Đồng Tháp (Đồng Tháp chấm thi cho Tiền Giang), kết quả điểm thi như trên rất khó chấp nhận. Không thể có chuyện cùng một tỉnh, nhưng kết quả thi môn Văn năm nay lại thấp hơn tới 50% so với năm 2008. Cùng một đề thi, một đáp án của bộ, nhưng kết quả lại có sự chênh lệch đến trên 40% giữa các địa phương trong cùng khu vực. Ngay tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, những nơi được xem là khó khăn nhất tại ĐBSCL, tỷ lệ thí sinh đạt điểm môn Văn trên trung bình vẫn khá cao (Sóc Trăng: 61,63%; Trà Vinh: 52%).

Học sinh, phụ huynh lo lắng

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân quận 1 xem kết quả tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân quận 1 xem kết quả tốt nghiệp THPT năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Đến nay, hầu hết các tỉnh trên cả nước đã công bố điểm thi, còn tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang học sinh và phụ huynh đang rất lo lắng vì chẳng biết kết quả thế nào. Đối với những học sinh bị rớt chỉ vì thiếu 1 - 2 điểm như em Nguyễn Dương Thanh, học sinh phổ thông ở TP Rạch Giá, Kiên Giang lại càng hồi hộp hơn.

Em Thanh ấm ức: “Nếu cứ giữ điểm thi cũ thì em sẽ rớt vì thiếu 1 điểm. Em không hiểu vì sao môn Văn của em chỉ được 3 điểm, em nghĩ thấp thì cũng phải được 5 điểm”. Cũng lo lắng không kém các em học sinh, chị Nguyễn Kim Châu, phụ huynh của em Lâm Thị Kim Chi (Trung tâm GDTX Rạch Giá)  kiến nghị: “Chúng tôi không biết có vấn đề gì trong việc chấm thi, chỉ mong các thầy cô làm rõ, chấm điểm công bằng và nhanh chóng công bố điểm cho các cháu biết để yên tâm luyện thi”.

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chỉ đạo chấm thi chéo giữa các địa phương. Tuy nhiên, từ sự thiếu đồng nhất trên đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo kiến nghị của ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm sau, Bộ GD-ĐT nên xem xét tổ chức chấm thi theo cụm.

Cụ thể, toàn ĐBSCL thành một cụm sau đó sẽ đưa bài thi về từng địa phương chấm thi. Cách làm này sẽ khách quan hơn vì không tỉnh nào biết bài của tỉnh nào. Còn như cách chấm chéo năm nay, rất khó tìm được sự thống nhất trong việc vận dụng đáp án của bộ, đôi khi còn thiếu khách quan…

Đình Tuyển

TPHCM: 94,71% thí sinh hệ phổ thông đậu tốt nghiệp

(SGGP). – Chiều 19-6, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố kết quả thi tốt nghiệp năm học 2008 – 2009. TPHCM có 94,71% thí sinh (TS) hệ phổ thông đậu tốt nghiệp, không tính số TS tự do. Tỷ lệ này ở hệ giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc) là 51,56%. Toàn TP có 17 trường THPT đậu tốt nghiệp 100%. Tỷ lệ TS tốt nghiệp loại khá, giỏi là 20,53%. Em Lê Nguyễn Đăng Khoa, Trường Phổ thông Năng khiếu trở thành thủ khoa của kỳ thi với 58 điểm (văn: 8,5, sinh: 10, lý: 10, toán:10, ngoại ngữ: 10, địa: 9,5). Ở hệ bổ túc, thủ khoa thuộc về em Nguyễn Tiến Dương, Nhạc viện TPHCM với điểm số là 56,5.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TPHCM có 51.640 TS hệ phổ thông và 10.575 TS hệ bổ túc dự thi và 863 giám khảo chấm thi. Bài thi tự luận của TS TPHCM giao cho 3 tỉnh chấm là Đồng Nai, Tiền Giang và Bình Thuận. Theo góp ý của các giáo viên chấm thi, đáp án môn toán có phần sai (sau đó đã được điều chỉnh lại), đề thi môn văn cần cụ thể hơn, đề thi môn địa khó nên TS đạt điểm thấp. Đặc biệt năm nay có nhiều TS phạm lỗi trong các môn trắc nghiệm. Do vậy, Sở GD-ĐT đề nghị các trường cần hướng dẫn kỹ hơn phương pháp làm bài trắc nghiệm cho TS.

D.D.

* * * * *

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định vẫn dẫn đầu với tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT với 98,27%, kế đến là Hà Nam 97,3%. Năm nay, địa phương có sự thay đổi “ấn tượng” nhất là Cao Bằng (tăng gần 24% so với năm 2008); Hòa Bình tăng hơn 23%. Hà Nội mở rộng, năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp là 88,28%. Kỳ thi tốt nghiệp hệ THPT năm nay chứng kiến sự “tụt” dốc của tỉnh Hà Tĩnh khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp giảm đến gần 16%. Điểm dễ nhận thấy là tỷ lệ đậu tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên giảm. Nhiều địa phương có tỷ lệ giảm mạnh như Hà Tĩnh giảm gần 40%; Cao Bằng giảm gần 35%; Khánh Hòa gần 33%...

L.Nguyên

Kết quả thi tốt nghiệp năm học 2008 – 2009 TPHCM

SBD từ 010001 đến 021907

SBD từ 021908 đến 040497

SBD từ 040498 đến 051804

SBD từ 051805 đến 071610

SBD từ 071611 đến 100470

SBD từ 100471 đến 113546

SBD từ 113547 đến 141782

SBD từ 141783 đến 161141

SBD từ 161142 đến 174211

SBD từ 174212 đến 191679

SBD từ 191680 đến 230562

SBD từ 230563 đến 270017

SBD từ 270018 đến 281379

Tin cùng chuyên mục