Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy hiệu TPHCM

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy hiệu TPHCM

(SGGP).- Hôm qua 10-3, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã tiếp thân mật GS Ngô Bảo Châu (ảnh), Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp toán Việt Nam và GS Robert Zimmer, Hiệu trưởng Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ).

Tại buổi tiếp, đồng chí Lê Hoàng Quân phát biểu nhấn mạnh: Lãnh đạo TPHCM rất hoan nghênh chuyến thăm của GS Ngô Bảo Châu và mong muốn GS sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong việc xây dựng nền toán học Việt Nam, đồng thời làm cầu nối tăng cường hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam phát triển tài năng.
Ghi nhận những đóng góp và những tình cảm đặc biệt mà GS Ngô Bảo Châu đã dành cho người dân TP nói riêng và cả nước nói chung, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã trao Huy hiệu TPHCM cho GS Ngô Bảo Châu.
 
Cùng ngày, tại buổi tọa đàm bàn về hướng hợp tác sắp tới giữa ĐH Quốc gia TPHCM với Viện Nghiên cứu cao cấp toán Việt Nam, đại diện Sở KH-CN TPHCM và ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất hai đơn vị hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, đầu tư các dự án KH-CN trên 3 lĩnh vực: Năng lượng, vật liệu cao cấp - công nghệ nano và khoa học - công nghệ tính toán.

Hôm nay, GS Ngô Bảo Châu và đoàn sẽ thăm ĐH Quốc gia TPHCM và có buổi nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên TP.


GS Ngô Bảo Châu: Tạo điều kiện để nhân tài phát triển

Trong chuyến thăm UBND TPHCM chiều 10-3, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề phát triển Viện Nghiên cứu cao cấp toán Việt Nam và những trăn trở của giáo sư với cương vị giám đốc khoa học của viện.

* Phóng viên: Với cương vị mới là giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp toán Việt Nam, GS có thể chia sẻ những định hướng sắp tới mà GS sẽ thực hiện?
 
* GS Ngô Bảo Châu: Đây là một trách nhiệm lớn đối với ngành toán học Việt Nam. Với cương vị giám đốc khoa học, tôi phải đảm bảo để đưa viện hoạt động có hiệu quả và đúng định hướng mà Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã đề ra. Mục đích của viện là tạo điều kiện để các nhà toán học tại Việt Nam có thời gian tập trung nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo sức hút đối với các bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại nước ngoài quay về làm việc. Hơn nữa, viện cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam hợp tác làm việc với các nhóm, các nhà khoa học nổi tiếng của nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được những điều này còn là một thách thức.

* Những thách thức đó là gì, thưa GS? 

* Trước hết là ở vấn đề trả lương. Nếu trả lương tương đối hợp lý, chưa nói đến việc trả lương bằng với nước ngoài cho các chuyên gia, đến nay vẫn chưa có một cơ chế nào bằng ngân sách nhà nước. Thứ hai, cơ cấu tổ chức của viện là không có thành viên làm việc vĩnh viễn mà làm theo hình thức 6 tháng hoặc 1 năm. Hơn nữa, theo một chương trình nghiên cứu, cần phải có một tổ chức tốt để các nhóm nghiên cứu nước ngoài đến làm việc chỉ trong 6 tháng hoặc 1 năm sẽ có kết quả. Mặt khác, về quy mô cũng còn tùy vào ngân sách nhà nước.
 
* Vậy chúng ta làm thế nào để thu hút những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về làm việc cho đất nước? 

* Tôi nghĩ trước tiên phải giải quyết vấn đề tiền lương cho họ. Không nhất thiết phải trả bằng một mức lương như ở nước ngoài mà chỉ cần mức lương đủ sống với cơ chế thị trường. Vấn đề tiếp theo là làm sao tạo điều kiện để các bạn trẻ trở về nước được nhìn thấy một chân trời để nghiên cứu, tức là phải có khả năng hợp tác khoa học và có điều kiện làm việc.

* Quan điểm của GS trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước? 

* Theo tôi, 2 điều quan trọng nhất là phải có sự tôn trọng và tạo điều kiện tối đa cho họ phát triển tài năng.
 
* Ở Việt Nam, hiện đang có ít người giỏi theo học ngành toán học, GS nghĩ gì về điều này?
 
* Nói chung, tất cả các ngành khoa học hiện nay đều có lỗ hổng về thế hệ. Những nhà khoa học có đóng góp và uy tín quốc tế đều đã đến tuổi về hưu. Những người ở độ tuổi như tôi hoặc hơn tôi từ 5 - 10 tuổi hầu như rất ít. Tuy nhiên, hiện tại cũng có nhiều bạn trẻ rất giỏi nhưng đều đi học ở nước ngoài. Trong số những bạn trẻ đó, có người muốn về nước để cống hiến nhưng họ vẫn chưa nhìn thấy khả năng nào để họ có điều kiện tiếp tục phát triển học thuật và nghiên cứu.
 
* Vậy với cương vị và uy tín hiện nay, GS có hy vọng “gỡ” được những trở ngại mà GS vừa nêu ra không?
 
* Trước hết phải có cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện thu hút các bạn trẻ về nước làm việc. Riêng tôi, tôi sẽ cố gắng giải quyết một phần vấn đề như thu hút những bạn trẻ trong ngành toán (toán lý thuyết) về làm việc tại Việt Nam khoảng 1, 2 năm. Nếu họ cảm thấy ở Việt Nam có điều kiện làm việc tốt, có sự hợp tác tốt với một trường đại học nào đó, chắc chắn họ sẽ về làm việc lâu dài.

* Xin cảm ơn giáo sư

THANH HÙNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục