Đã đến lúc để các trường đại học tự chủ tuyển sinh

LÂM NGUYÊN

Từ thực tế xét tuyển đại học còn nhiều hạn chế, bất cập năm 2015, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên can thiệp quá sâu vào công tác tuyển sinh của các trường. Đó cũng là cách để thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh đại học mà Luật Giáo dục đại học đã quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc thiết kế lại các vấn đề mang tính kỹ thuật để hoàn thiện phương án tuyển sinh năm sau, cần phải phân tầng việc xét tuyển của các trường để tránh tình trạng “chơi chứng khoán” như vừa qua. Thực tế, việc xét tuyển năm nay “chảy từ cao xuống thấp” trong các ngành của từng trường, còn trong xã hội là “chảy” từ trường có thương hiệu xuống những trường ít thương hiệu hơn. Chính điều này tạo nên tâm lý của thí sinh là cứ vào được trường đại học, học ngành gì tính sau, rất nguy hiểm. Đây cũng chính là điều mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã chỉ ra khi rút kinh nghiệm về đợt xét tuyển đầu tiên năm 2015. Theo Bộ trưởng, một trong nguyên nhân khiến tuyển sinh vừa qua bất cập còn do đồng loạt nhiều trường đại học để ngưỡng điểm sàn vào trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT... mà không có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo, khiến hàng chục ngàn phụ huynh, thí sinh phải chạy đôn chạy đáo.
 
Còn ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính công nghệ viễn thông, cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên “ôm” công tác tuyển sinh, mà hãy giao tự chủ cho các trường đại học. “Gộp 2 kỳ thi thành một kỳ thi là định hướng đúng nhưng phải đúng như tinh thần mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ ra, đó là chỉ còn một kỳ thi để các trường lấy kết quả xét tuyển. Nhưng đến khâu xét tuyển thì phải để các trường tự chủ. Trên thế giới, không có quốc gia nào mà Bộ GD-ĐT lại đứng ra làm công tác tuyển sinh” - ông Lê Hữu Lập nói. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ cần can thiệp ở 2 tiêu chí: xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường; định ra mức điểm sàn để bảo đảm ngưỡng đầu vào đại học. Còn việc xét tuyển để các trường hoàn toàn tự quyết định chứ không nhất thiết phải xét tuyển chung, chung phần mềm tuyển sinh như năm 2015 đã làm. Điều đó có nghĩa, Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý nhà nước chỉ công bố dữ liệu thi quốc gia và giám sát phương án tuyển sinh của các trường mà các trường đã báo cáo với bộ. Nếu các trường tuyển sinh không đúng như phương án đã báo cáo thì sẽ bị xử lý nghiêm. Nếu thực hiện được như vậy thì các trường sẽ hoàn toàn tự chủ trong việc xét tuyển của mình về phần mềm tuyển sinh, hoặc các trường có thể xét tuyển thành nhiều đợt trong năm chứ không nhất thiết phải tuyển vào một thời điểm. Công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng tuyệt đối, thí sinh chỉ cần ngồi ở nhà để đăng ký xét tuyển, thí sinh nào được trường công nhận trúng tuyển thì sẽ bị xóa khỏi dữ liệu của bộ, không còn cơ hội để đăng ký vào trường khác, như vậy sẽ lọc được tỷ lệ ảo.

Theo nhiều chuyên gia, đây là cách tuyển sinh của thế giới hiện nay và “Việt Nam đã học kinh nghiệm của thế giới thì cần học cho hết”. Cách xét tuyển này cũng sẽ làm cho thí sinh phải đăng ký xét tuyển đúng ngành nghề mà mình yêu thích, tránh tình trạng vào đại học bằng mọi giá.

Ngoài việc để các trường tự chủ tuyển sinh, ở khía cạnh khác, theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, từ năm 2016, các trường có thể định một mức điểm cao, thí sinh nào đạt từ điểm đó trở lên thì đậu, nếu tuyển thiếu thì trường hạ điểm để tuyển bổ sung. Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định những trường tốp đầu nộp hồ sơ xét tuyển trước và có ấn định điểm sàn tương đối, trong thời gian 5 - 10 ngày thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng giữa các trường. Sau khi chốt các trường tốp đầu, thí sinh trượt trường tốp đầu thì tiếp tục được nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 các trường tốp giữa. Tương tự, như vậy cho đến đợt xét tuyển tốp dưới. Chỉ như vậy mới bảo đảm những thí sinh điểm cao không bị trượt đại học như mục tiêu mà Bộ GD-ĐT mong muốn.

Việc xét tuyển phải để các trường tự làm, Bộ GD-ĐT không nên can thiệp nữa. Chỉ cần tổ chức một kỳ thi quốc gia nghiêm túc để có dữ liệu chung

PGS Văn Như Cương


LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục