Giấy tay và suất học

Mấy ngày trước, người bạn kể câu chuyện rằng: Đứa con gái 3 tuổi của bạn anh vừa “trúng tuyển” vào một trường mầm non chuẩn quốc gia theo “danh sách” của lãnh đạo quận chuyển. Biết chuyện, người hàng xóm cũng có con 3 tuổi, nộp đơn trước mấy tháng mà vẫn bị “rơi đài”, bèn làm đơn khiếu nại. Lý do, con người hàng xóm đúng tuổi, đúng tuyến vì sao không được nhận vào lớp, trong khi con ông bạn nọ hộ khẩu ở phường khác mà lại lọt vào danh sách. Câu chuyện dạng này nghe thì có vẻ phi lý, nhưng ngẫm thì lại là câu chuyện không chỉ điển hình để kể nhau nghe vào mỗi đầu năm học mới như hiện nay, mà như là một vấn đề xã hội không thể thờ ơ, đó là những suất học bị đánh tráo.

Chạy trường không phải vì thiếu chỗ học. Với giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu, nên dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước chủ trương không để một trẻ đến tuổi nào không có chỗ học. Tất nhiên, điều kiện vật chất, môi trường giáo dục mỗi nơi mỗi khác, đó cũng là điều bình thường trong xã hội. Chạy trường cũng không hẳn vì có nhiều tiền hoặc người giúp chạy trường cần tiền. Lắm trường hợp chỉ cần một cú điện thoại, cũng không ít trường hợp mà người giúp chạy trường không biết người mình “giúp” là ai vì đã qua nhiều vòng gửi gắm.

Nhưng có một thực tế, khi cái danh sách gửi gắm ấy được giải quyết thì cũng chính ngay lúc ấy, một danh sách không được gửi gắm phải bị gạt ra. Có người cho rằng thật ra trong điều kiện hiện nay, hầu như trường nào cũng bố trí sẵn “chỗ trống” để đến giờ chót có thể giải quyết cho “anh Hai”, “anh Ba”, nghĩa là không có chuyện mất suất của người khác. Thế nhưng, xét về mặt nhận thức, ngay cả khi các trường có bố trí sẵn “chỗ trống” như vậy thì những “chỗ trống” ấy cũng là của người khác bị chiếm lấy.

Dòng người gồm các phụ huynh học sinh ở Hà Nội xếp hàng từ khuya để mong con có được một chỗ học mẫu giáo cứ mỗi năm lại càng dài hơn. Ở TPHCM, không thấy cảnh xếp hàng theo kiểu “đặt cục gạch giữ chỗ”, nhưng ngay từ năm học trước, rất nhiều chiêu đã được tung ra để trong hè thì “danh sách” đã đâu vào đó. Một cách “trách nhiệm” hơn, ngay khi đứa bé còn trong bụng mẹ, ông bà nó đã huy động cả gia đình, dòng họ, người quen để tìm “bến đỗ” cho cháu. Cái hộ khẩu giờ không còn là báu vật như xưa, nhưng cũng là điều kiện đường đường chính chính cho một suất học đúng tuyến.

Nói về cái “danh sách” bị thay thế, mỗi năm có bao nhiêu em học sinh, từ mẫu giáo đến phổ thông bị đánh cắp suất học bởi “giấy tay” hoặc nhiều hình thức khác? Lá đơn khiếu nại của anh hàng xóm như đã nói ở trên rồi cũng sẽ chẳng được giải quyết vì “khả năng nhà trường không nhận thêm được nữa”. Và con anh cũng vẫn còn nhiều chỗ học ở các nhóm trẻ gia đình, các trường chưa đạt chuẩn. Nghĩa là hiện tượng giấy tay không làm biến động xã hội lớn đủ để cần một quy định khắt khe bằng luật pháp, nhưng nó lại là một vấn đề xã hội không thể thờ ơ. Một đứa trẻ chỉ mới bập bẹ, có biết đâu người lớn đã buộc mình một hành vi không tốt là ngồi chỗ của người khác.

Càng ngày, nhiều gia đình đã chọn cho con học trường quốc tế, hoặc đi nước ngoài học ở những trường nổi tiếng. Khi kinh tế phát triển, có của ăn của để, đóng tiền cho con học ở những trường danh giá, đó cũng là cách để đầu tư cho tương lai. Họ cũng đã tạo ra một cái nhìn bình đẳng trong giáo dục khi sử dụng đồng tiền chính đáng có mục đích, chứ không nghĩ đến chuyện tranh nhau một suất học với người ít có điều kiện kinh tế và xã hội hơn mình. Minh bạch trong mọi vấn đề đôi khi phải xuất phát từ minh bạch trong giáo dục.

HOÀNG MAI

Tin cùng chuyên mục