Cho tới hôm nay, 63 năm đã trôi qua, lời căn dặn của Bác vẫn luôn là kim chỉ nam soi sáng chặng đường xây dựng và phát triển của ngành y tế, là phương châm sống để các thầy thuốc Việt Nam không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những năm tháng chiến tranh thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc, rất nhiều chiến sĩ áo trắng đã hy sinh máu xương của mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong cuộc sống hòa bình hôm nay, thấm nhuần lời căn dặn của Bác và noi gương các thế hệ đi trước, rất nhiều thầy thuốc đã không quản khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, không ngừng rèn luyện, cống hiến hết mình, để thực hiện lời thề trị bệnh, cứu người. Từ thành thị tới nông thôn, núi cao hay biển đảo luôn có hình ảnh của những người cán bộ, nhân viên y tế miệt mài, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Quán triệt lời Bác Hồ dạy “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, những năm qua, ngành y tế đã chủ động tăng cường truyền thông, giáo dục, ngăn chặn kịp thời nhiều dịch bệnh nguy hiểm, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh. Trước sự phát triển và sức ép của nền kinh tế thị trường, ngành y tế nói chung và mỗi cán bộ, nhân viên y tế nói riêng không ngừng nỗ lực đổi mới để thích nghi. Trong đó, việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả khích lệ, được người dân đồng tình, ủng hộ. Ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang “cung cấp dịch vụ, phục vụ”, người bệnh được trân trọng.
Gần đây, dư luận phẫn nộ trước việc không ít y, bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, lăng mạ, đánh đập một cách vô cớ. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng mất an ninh trật tự trong các bệnh viện, cần phải có sự thay đổi. Thực tế này cũng cho thấy các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế đang phải chịu nhiều sức ép rất lớn không chỉ về chuyên môn mà còn là đòi hỏi, yêu cầu từ phía người dân và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận thầy thuốc, làm xói mòn y đức. Tại một số cơ sở y tế vẫn còn hiện tượng tiêu cực, “con sâu làm rầu nồi canh” khi một số cán bộ y tế chưa thực hiện đúng lời dạy của Bác. Thực tế này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận. Dù biểu hiện tiêu cực về y tế chỉ là cá biệt nhưng phần nào đã làm vẩn đục sự cao quý của nghề y.
Để gìn giữ và phát huy y đức, đòi hỏi Bộ Y tế cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên y tế nhận thức sâu sắc về ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp mà họ đã lựa chọn, từ đó nâng cao trách nhiệm và sự yêu thương, chia sẻ với người bệnh đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Còn đối với người bệnh và người dân, ngành y tế cần tuyên truyền sâu rộng về những chế độ chính sách, quy định của ngành để người dân hiểu, thông cảm, hợp tác và chia sẻ với người thầy thuốc.