Giữ mạch nước ngọt miền Tây

Sẽ có khoảng 78.000ha đất sản xuất lúa và cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hạn - mặn trong tháng 3 và 4-2024. Đây là nhận định mới nhất của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

ĐBSCL có gần 2 triệu ha đất trồng lúa và cây ăn trái đang đối diện với mùa hạn mặn khốc liệt tái diễn như năm 2016. Trong đó, có gần 400.000- 500.000ha lúa và cây ăn trái thường xuyên chịu tác động của hạn và xâm nhập mặn. Giữ mạch nước ngọt để phục vụ sản xuất cho gần 2 triệu ha đất sản xuất này trong mùa khô là một yêu cầu cấp bách.

Các nhà khoa học chỉ ra, hạ nguồn sông Mê Công có 3 túi nước cân bằng một phần sinh thái: hồ Tonle Sap (Campuchia), khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha) và Tứ giác Long Xuyên (590.000ha). Trong bối cảnh giá lúa gạo bật tăng trở lại trong năm 2023 và đang “nóng” như hiện nay, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp quá lạm dụng đê bao khép kín để sản xuất lúa 3 vụ/ năm đã làm mất đi một phần không gian 2 túi chứa nước là khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Hàng năm, khi nước lũ sông Mê Công từ thượng nguồn đổ về, chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4m. Trong thời gian dài, các địa phương chạy theo năng suất, nhiều đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ lúa/năm ở 2 vùng trũng này, làm mất đi không gian hấp thu lũ. Nước lũ không vào đồng được nên làm dâng nước nơi khác, gia tăng ngập ở hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long.

Nước lũ không vào trong đồng được nên chảy ra biển trong mùa nước. Sang mùa khô khi dòng chảy sông Mê Công yếu đi thì đồng bằng cũng kiệt nước làm cho xâm nhập mặn sâu hơn. “Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã định hướng rất rõ, cần phải giảm thâm canh lúa 3 vụ để phục hồi không gian hấp thu lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Tầm nhìn sau 2030 của quy hoạch này cũng định hướng lùi vùng nước ngọt vào trong và chuyển đổi các vùng ngọt hóa ven biển trở lại điều kiện mặn - ngọt luân phiên theo mùa tự nhiên”, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL chỉ ra.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh: “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng”.

Trên cơ sở nghị quyết này, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị: miền Tây nên giảm bớt 1 vụ lúa (lúa vụ 3 hay còn gọi là lúa thu đông) ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười; bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào ruộng mùa mưa lũ và mùa khô sẽ bớt khô hạn, giảm tình trạng mặn xâm nhập sâu.

Tin cùng chuyên mục