Đương đầu với khó khăn
Trao đổi về những khó khăn, ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các công ty liên doanh, và vươn xa hơn là cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và năng suất cung ứng luôn ở mức cao nhất và ổn định nhất.
Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bởi nguồn vốn đầu tư không bao giờ là đủ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu ra của sản phẩm cũng là khó khăn khác khi việc tìm kiếm những khách hàng lớn với những đơn hàng thường xuyên là điều mọi doanh nghiệp mong muốn.
Tuy nhiên, việc tiếp cận những khách hàng đa quốc gia không phải dễ dàng khi vẫn còn thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như cầu nối với các doanh nghiệp ở nước ngoài muốn tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện từ các nước khác.
Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần nhiều hơn nữa những buổi giới thiệu gặp gỡ giữa doanh nghiệp với các đối tác để hai bên trao đổi nhu cầu và tìm kiếm sự hợp tác. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến tốn kém chi phí vì phải nhập các nguồn cung về máy móc thiết bị, nguyên liệu từ nước ngoài, trong khi vẫn có sẵn từ nội địa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần thành phố hỗ trợ tạo dựng cổng thông tin của ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Đây là nơi trao đổi thông tin giữa cung và cầu, giữa nhà cung ứng và khách hàng, tạo môi trường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng chủ động tìm kiếm khách hàng cũng như đưa đến khách hàng nhiều sự lựa chọn nhà cung ứng theo nhu cầu đa dạng về sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường có tình trạng chất lượng giảm dần do thiếu sự tập trung và nghiêm túc trong quá trình sản xuất khiến các tập đoàn đa quốc gia rất không hài lòng.
Quan hệ hợp tác với khách hàng là cả một quá trình mà sản phẩm, mặc dù rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Chất lượng dịch vụ cung ứng cũng góp phần quyết định vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ mạnh
TPHCM luôn cập nhật tình hình từ phía doanh nghiệp, qua đó đưa ra những chính sách hỗ trợ vốn, chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhóm 4 ngành trọng yếu được hỗ trợ đầu tư phát triển gồm cơ khí, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên... đã nhận được thông báo cũng như văn bản khuyến khích, hỗ trợ vay vốn ưu đãi của các ngân hàng thương mại liên kết theo Quyết định 15 của thành phố.
Đồng thời, nhận được nhiều sự chia sẻ thông tin, hỗ trợ về mặt thủ tục giấy tờ pháp lý tinh giản của các đơn vị, sở ngành có liên quan (như các sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính…). Điều này hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý và vận hành doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia, nhìn chung, Quyết định 15 đã bước đầu hoàn thành tốt vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia; giúp họ vượt qua những khó khăn, nhất là về nguồn vốn, để giải quyết tiếp theo những cản trở khác về thiết bị, con người, môi trường làm việc, công nghệ… Thủ tục pháp lý để tham gia chương trình cũng không quá phức tạp, vì trong quá trình làm hồ sơ đăng ký còn giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về những giá trị cốt lõi của mình, bổ sung và hoàn thiện thiếu sót theo quy chuẩn cao cấp hơn ở tầm thế giới; trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các tập đoàn lớn.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM), nhấn mạnh giá trị hỗ trợ của Quyết định 15 mang tính cô đọng và tập trung hơn hẳn một số chính sách trước đây. Cụ thể, hạn mức vay vốn và lãi suất vay cũng phù hợp đa dạng nhu cầu doanh nghiệp. Thủ tục hành chính cũng đơn giản hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hoặc cải thiện hiệu suất sản xuất sẽ được Sở Công thương và Trung tâm Phát triển công nghiệp tham vấn trực tiếp tại doanh nghiệp…
Với sự cải tiến trong hoạt động hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội này để tái cơ cấu sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị thế hệ mới; thay thế những công nghệ, máy móc sản xuất lạc hậu, lâu đời. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ này còn giúp cải thiện sức cạnh tranh và năng suất làm việc; nâng cao kỹ năng, kiến thức của người lao động; rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Đặc biệt, một số công ty sau hỗ trợ có thể tăng khả năng sản xuất được nhiều linh kiện, máy móc công nghiệp chế biến, chế tạo để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất chuyên biệt khác. Từ đó, không phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài; đồng thời, thắt chặt mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, mang đến lợi nhuận và hiệu suất cao hơn, hạn chế rủi ro trong vấn đề đầu tư.