Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vào thời điểm này. Nhất là sau khi dự thảo Luật An ninh mạng (Bộ Công an soạn thảo) được công bố, trong đó có quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam.
Trong văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội để góp ý về dự thảo Luật An ninh mạng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định việc đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam là chưa phù hợp với tinh thần cam kết của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP trước đây và nay là CPTPP. Hơn nữa, theo quan điểm của VCCI, việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó.
“Máy chủ đặt ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu chuẩn mực. Nếu các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam không được sử dụng những dịch vụ lưu trữ dữ liệu an toàn nhất để đặt dữ liệu (thường không có máy chủ ở Việt Nam) thì điều này còn tạo ra nguy cơ mất an ninh mạng cao hơn”, văn bản VCCI nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, cho rằng Việt Nam không thể “cấm cửa” các dịch vụ lớn của nước ngoài như Google, Facebook, bởi sẽ ngược lại sự phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay các nước phát triển cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực của các công ty Internet lớn.
“Với Việt Nam, điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tháo bỏ nhiều rào cản để các doanh nghiệp Internet nói riêng và doanh nghiệp nói chung tận dụng mọi cơ hội phát triển, lớn mạnh”, ông Minh chia sẻ.
Bản thân 2 công ty được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là Google và Facebook cũng không cung cấp nhiều thông tin về nơi đặt máy chủ của họ. Song, theo một số nguồn có được từ các hãng thống kê nước ngoài, Google có 8 trung tâm dữ liệu lớn trên toàn thế giới, gồm 6 cơ sở được đặt tại Mỹ, 2 cơ sở còn lại ở Bỉ và Phần Lan. Ngoài ra, Google cũng đang xây dựng 3 trung tâm dữ liệu lớn khác ở Hồng Công, Singapore và Chile.
Với Facebook, theo những công bố gần đây, trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của Facebook vẫn được đặt ở Mỹ. Tại châu Âu, Facebook có 2 trung tâm dữ liệu ở Ireland và Thụy Điển. Ở châu Á, Facebook cho biết có 2 trung tâm dữ liệu, máy chủ đặt ở Singapore và Hồng Công.
Tại Việt Nam, trái với suy nghĩ của nhiều người, Google đã thuê máy chủ ở Việt Nam từ khá lâu. Cụ thể từ năm 2011, Google đã thuê và đặt 8 máy chủ dữ liệu của họ tại 2 trung tâm dữ liệu (IDC) của Viettel ở Hà Nội và TPHCM.
Theo các chuyên gia, đây không phải máy chủ mang tính “điều khiển” hoạt động của Google mà là những máy chủ lưu trữ hệ thống thông tin liên quan đến nhu cầu của người Việt Nam (một phần bộ nhớ cache của Google), giúp khách hàng Việt Nam sử dụng các dịch vụ Google nhanh hơn gấp 2 lần bình thường do không phải thực hiện kết nối ra quốc tế.
Hồi tháng 4-2017, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khi thông tin với báo giới, cũng cho biết một số doanh nghiệp trong nước được xác nhận đã cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin. Trong đó, VNPT cho Google thuê 608 máy chủ, Facebook thuê 120 máy chủ; Viettel cho Google thuê 334 máy chủ, Facebook thuê 96 máy chủ… Như vậy, có thể hiểu, Google và Facebook đã thuê và đặt một phần máy chủ lưu giữ thông tin ở Việt Nam.