
Hiện nay, số đơn khiếu tố liên quan đến đất đai, nhất là thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng… chiếm tới 70% tổng số đơn khiếu tố. Tuy nhiên, những bức xúc này sắp được hạ nhiệt. Bởi hôm qua, 8-12, Bộ Tài chính đã công bố Thông tư số 116/2004/TT-BTC, ban hành ngày 7-12-2004, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tại cuộc họp báo công bố Thông tư nói trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Thị Nhân cho biết:
- Cùng với Nghị định 197, thông tư này có rất nhiều điểm mới góp phần giải quyết những vướng mắc về quyền lợi của người bị thu hồi đất và đơn vị, tổ chức thu hồi, đền bù đất. Nghị định 197 và Thông tư số 116 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã kế thừa những mặt tích cực của Nghị định 22, đồng thời khắc phục tối đa những mặt hạn chế, vướng mắc trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là vấn đề giá bồi thường vừa qua được đánh giá là chưa thỏa đáng đối với người bị thu hồi đất.

Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) đã mở rộng diện tích để đón các cơ sở, công ty sản xuất di dời. Ảnh: CAO THĂNG
Vì vậy, trong đền bù, Nghị định 197 đã tính đến rất nhiều yếu tố như: nguồn gốc đất, mục đích sử dụng đất, tài sản trên đất, công đầu tư để người dân không bị thiệt thòi. Ngoài ra, nghị định còn quy định sẽ hỗ trợ thêm một số khoản khác để người dân di chuyển, ổn định đời sống và sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm... Người dân cũng được chọn lựa phương án đền bù bằng tái định cư hoặc bằng tiền.
Cùng với việc thu hẹp loại đất do Nhà nước thu hồi, hai văn bản mới cũng tạo ra khung pháp lý khuyến khích các chủ đầu tư và người dân trực tiếp thương lượng về mức giá, phương thức đền bù đất, tạo bình đẳng và góp phần xóa bỏ tình trạng bao cấp về đất đai. Khi chính sách mới này đi vào cuộc sống, chắc chắn những bức xúc, khiếu kiện của người dân liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ đất sẽ giảm.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, cơ quan nào sẽ hỗ trợ kinh phí để người dân chuyển đổi nghề nghiệp sau khi họ bị thu hồi đất và mức hỗ trợ như thế nào?
- Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, trong các trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao và các dự án đầu tư lớn. Trong chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Nhà nước thống nhất bồi thường theo giá đất do UBND tỉnh công bố, điều này khác hẳn so với quy định trong Nghị định số 22/1998. Nhà nước là người bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Những người còn trong độ tuổi lao động mà bị thu hồi đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách hỗ trợ một phần chi phí học nghề. Trường hợp người nông dân tự sắp xếp được nghề nghiệp thì sẽ được hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ là bao nhiêu thì tùy theo từng tình hình cụ thể của địa phương. Vấn đề này sẽ giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định.
- Trong đền bù giải phóng mặt bằng, một vướng mắc lâu nay khiến người dân bức xúc là việc đền bù đất liền kề như vườn, ao. Nghị định 197 và Thông tư 116 hướng dẫn có giải quyết rốt ráo vấn đề này?
- Việc xác định ở để bồi thường đối với trường hợp có vườn, ao được giải quyết theo hướng tôn trọng thực tế. Đối với đất nông nghiệp và đất vườn ao liền kề với đất ở xen kẽ trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng tiền 20-50% mức bồi thường ở đất liền kề. Quy định như thế là phù hợp với thực tế sử dụng đất và đảm bảo hợp lý lợi ích của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Ngã tư Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22 quận Bình Thạnh) khu vực cần giải tỏa để xây dựng cầu Thủ Thiêm, nhưng đến nay chưa có nhà nào di dời.
- Hiện nay, các địa phương đang có xu hướng ban hành khung giá đất thấp hơn so với khung giá của Chính phủ, vừa không sát với giá thị trường, vừa thất thu thuế và gây thiệt hại cho người dân khi bị thu hồi đất. Hơn nữa, phần lớn người dân thuộc diện bị thu hồi đất đều muốn được bồi thường bằng đất. Trong khi, thưa Thứ trưởng, chính sách mới lại không thỏa mãn nhu cầu chính đáng này...
- Việc ban hành khung giá đất mới phải được HĐND các tỉnh, thành phố thông qua. Khi ban hành khung giá mới, các địa phương phải cân nhắc rất nhiều điều kiện, nhiều mặt để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, của nhà đầu tư sử dụng đất, nhưng cũng phải theo khung của Chính phủ. Trong chính sách đất đai mới, chúng tôi không đặt nặng vấn đề thu thuế từ đất.
Còn Nghị định 197 và Thông tư 116 quy định nếu địa phương không có đất thì bồi thường bằng tiền tính theo giá đất có cùng mục đích sử dụng. Bởi thực tế, đất đai ở một số tỉnh, thành phố lớn rất eo hẹp. Tôi nghĩ, nếu còn đất, chính quyền địa phương sẽ không để dân thiệt. Họ sẽ đền bù bằng đất theo đúng nguyện vọng của dân.
Chính sách đền bù mới cũng đã đáp ứng tốt hơn nhiều quyền lợi của người dân, như không đền bù theo giá trị sử dụng còn lại của nhà nữa mà đền bù theo giá xây mới của loại nhà, cấp nhà đó. Người bị thu hồi đất cũng được công bố và thảo luận về khu tái định cư...
- Một trong những quy định mới của Nghị định 197 là giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất đứng ra đền bù giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư. Nhưng thưa Thứ trưởng, hiện nay công tác lập quy hoạch còn rất nhiều bất cập, liệu quy định mới trên có được triển khai một cách đồng bộ?
- Hiện nay, Tổ chức phát triển quỹ đất đang được các địa phương nghiên cứu để hình thành. Tôi nghĩ rằng, khi các tổ chức này đi nào hoạt động thì sẽ thực hiện được việc thu hồi đất đối với những diện tích đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố. Việc này sẽ giải tỏa được bức xúc của những người dân nằm trong vùng quy hoạch, lâu nay vẫn nơm nớp nỗi lo, không dám mua - bán mảnh đất của mình. Còn với những quy hoạch còn chậm, chúng ta sẽ thực hiện dần, nên không sợ không đồng bộ.
- Thưa Thứ trưởng, lâu nay kinh phí để giải phóng mặt bằng thường nằm trong vốn đầu tư của dự án. Nay chưa có dự án mà đã giải phóng mặt bằng thì sẽ lấy tiền ở đâu?
- Vấn đề này sẽ được tiếp tục tính toán, ban đầu có thể lấy vốn của địa phương và vốn huy động từ nhiều nguồn khác, đầu tư cho Tổ chức phát triển quỹ đất để họ đứng ra thu hồi đất. Sau đó, khi tổ chức này đã thực hiện việc giao hoặc cho thuê đất thì sẽ lấy vốn đó “quay vòng” để tiếp tục phát triển quỹ đất theo quy hoạch.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
B. MINH - N. QUỐC
Đơn giản thủ tục hành chính thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ |