"Giấy đỏ, giấy hồng"

Hai giấy, có rối rắm?

Hai giấy, có rối rắm?

Mặc dù đã có nhiều ý kiến không tán đồng việc cấp “hai giấy” từ cuối năm 2004 đến nay, nhưng trong các ngày 15-8 tại Đồng Nai và ngày 16-8 tại TPHCM, Bộ Xây dựng vẫn triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và công trình theo Nghị định 95. Như vậy, từ nay trở đi, một căn nhà sẽ tồn tại song song hai giấy, sổ đỏ và sổ hồng!

  • Một cửa: UBND phường, xã!
Hai giấy, có rối rắm? ảnh 1

Khu dân cư mới tại Bình Trị Đông quận Bình Tân TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 16-8, tại buổi triển khai việc cấp giấy chứng nhận nhà ở và công trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, UBND phường, xã sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhà đất làm sổ đỏ và sổ hồng.

Sau đó, hồ sơ được chuyển đến cấp thẩm quyền xét duyệt; khi có kết quả, người dân cũng quay lại nơi nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận.

Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, trách nhiệm cấp phường không chỉ tiếp nhận mà còn thụ lý hồ sơ.

Tức là, phường phải nhận diện sự chuẩn xác của từng bộ hồ sơ, có đủ điều kiện được cấp, đúng ranh đất… Như vậy, từ nay trở đi, UBND phường, xã sẽ gánh thêm trách nhiệm cấp giấy nhà, đất. Tất nhiên, UBNDTP sẽ tăng cường thêm nhân sự cho cấp phường, xã để đáp ứng nhiệm vụ mới này. “Sở sẽ tập huấn kỹ cho cấp phường. Một thời gian sau sẽ tiếp tục rà soát, nếu phường nào còn yếu nghiệp vụ, sở sẽ tiếp tục tập huấn!”, ông Dũng khẳng định.

Một điểm khác biệt cơ bản của việc thực hiện Nghị định 95 so với trước đây là không cấp giấy theo kế hoạch mà theo “tự nguyện” của chủ nhân. Ai có nhu cầu thì làm đơn đề nghị cấp giấy. Theo kê khai năm 1999, TPHCM có gần 1 triệu căn nhà, trong đó có 500 ngàn căn nhà có giấy tờ hợp lệ. Đối với những căn nhà khác, sau nhiều năm thực hiện tổng lực cấp theo sổ hồng, TP đã cấp khoảng 380 ngàn căn nhà, số còn lại bị vướng nhiều lý do.

Trong đợt này, TP sẽ xem xét cấp tiếp tục những trường hợp còn vướng vì tranh chấp, quy hoạch “treo”… nhưng nay đã có hướng giải quyết. Đối với các trường hợp xây dựng trái phép, không phép sẽ xử lý xong mới được cấp giấy. Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục rà soát và cấp giấy cho những căn nhà xây dựng sau kê khai năm 1999…

Khẳng định tại hội nghị, ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết: Sổ hồng cấp theo Nghị định 60 trước đây vẫn còn nguyên giá trị, không phải thay đổi theo Nghị định 95. Nếu chuyển nhượng, thay đổi thì ghi vào trang 3.

Trong trường hợp cấp đổi, chủ nhân có yêu cầu đổi giấy theo Nghị định 95 thì mới thực hiện. Điều kiện để được cấp giấy nhà ở, công trình là khi có một trong 7 loại giấy (khoản 2, Điều 9, Nghị định 95) nhưng chỉ phô tô chứ không bắt buộc công chứng. Đối với vấn đề đo vẽ cũng vậy, sẽ đơn giản cho người dân khi khuyến khích tự thực hiện thông qua các đơn vị đo vẽ.

Thời gian cấp giấy nhà ở, công trình là 30 ngày, hoặc tối đa 35 ngày. “Cấp giấy thực hiện theo yêu cầu. Chủ sở hữu chỉ làm đơn đề nghị chứ không phải đơn xin cấp giấy. Đây là sự thay đổi nhận thức rất lớn, thể hiện vài trò nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của người dân!”, ông Thục nhấn mạnh. Theo mẫu, giấy chứng nhận quyền sở hữu dành công trình xây dựng khác với giấy chứng nhận cho nhà ở.

  • Giấy chứng nhận nhà đất quan trọng cỡ nào?
Hai giấy, có rối rắm? ảnh 2

Xây dựng khu dân cư mới tại phường Long Thạnh Mỹ quận 9 TPHCM.

Như vậy, vấn đề một hay hai giấy coi như đã đến hồi kết, tuy nhiên dư luận vẫn còn nhiều hoài nghi. Tại hội nghị, một số ý kiến chất vấn rằng: Có sổ đỏ, nay lại thêm sổ hồng, như vậy sắp tới Luật Đăng ký bất động sản ra đời sẽ giải quyết nội dung gì? “Tôi cũng không biết Luật Đăng ký bất động sản sẽ như thế nào. Phải chờ thực tiễn rồi mới góp ý (!?)”, ông Trịnh Huy Thục trả lời tại hội nghị.

Thật ra, từ chính Nghị định 95 cũng có một số “mâu thuẫn” so với thực tế. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 9 quy định: phải có một trong 7 loại giấy sẽ được cấp giấy, đó là giấy phép xây dựng, sổ đỏ…

Theo quy định cấp phép xây dựng mới của TP, bắt buộc phải có sổ đỏ - hoặc những giấy tờ hợp lệ khác - rồi mới được cấp phép. Như vậy, có thể hiểu điều kiện để được cấp phép xây dựng là phải có sổ đỏ - hoặc những giấy tờ hợp lệ khác - chứ không thể có quy trình ngược lại, vì vậy định sự “có mặt” của giấy phép xây dựng là không hợp lô-gíc!

Trong trang 2 của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có hai cột, một bên ghi lai lịch căn nhà, bên còn lại ghi lý lịch lô đất. Rõ ràng, nếu căn nhà được cấp sổ hồng thì đương nhiên đã có sổ đỏ, hoặc vừa có sổ hồng vừa có sổ đỏ thì cột ghi lai lịch lô đất có tác dụng gì?...

Mặt khác, tại TP khi phân cấp công việc xuống phường nhưng bộ máy vẫn ì ạch, minh chứng gần nhất là đến nay việc cấp phép tạm chưa trôi. Như vậy, nay tiếp tục “mở” một cửa cấp giấy, thì cấp phường có “ôm” nổi?

Một vấn đề khác sau khi nảy sinh tình trạng “tranh chấp” một giấy - hai giấy là tầm quan trọng của giấy chứng nhận tới đâu? Tại hội nghị, ông Trịnh Huy Thục so sánh việc có nhiều giấy chứng nhận khác nhau là đương nhiên, như bằng lái xe, thẻ chứng minh, hộ chiếu… và như thế, việc có sổ hồng sẽ hết sức quan trọng vì nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của người dân!?

Nhưng thực tế không hẳn vậy, nếu nói rằng giấy chứng nhận quan trọng đến mức ấy thì tại sao tại TP có tình trạng người dân không chịu lấy giấy chứng nhận mặc dù đã được cấp? Liệu khi được cấp giấy cho căn nhà, nhưng sau đó bị giải tỏa thì người dân có được “bảo hộ” đền bù bằng đúng giá trị không? Phải chăng, tầm quan trọng về giấy chứng nhận là do cung cách quản lý phức tạp của chính quyền lâu nay tạo nên?

  • Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được: Chính phủ cần cân nhắc việc thực hiện Nghị định 95

Hôm qua 16-8, trao đổi với phóng viên SGGP về việc triển khai thực hiện Nghị định 95/CP, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho rằng: việc triển khai là “quyền của Chính phủ và Bộ Xây dựng”. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc việc thực hiện Nghị định 95. Nếu tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở với cơ chế “1 giấy” như tinh thần đại đa số đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, thì số giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo Nghị định 95 sẽ phải xem xét đổi lại.

“Như vậy, sẽ gây phức tạp và lãng phí” – Phó Chủ tịch Trương Quang Được nói. Liên quan đến dự thảo Luật Nhà ở, Phó Chủ tịch Trương Quang Được kiên trì quan điểm “1 giấy”. Loại giấy này có thể thiết kế theo dạng sổ về nhà đất, có nhiều trang ghi nhận các nội dung về đất đai, tài sản gắn với đất cũng như những biến động của nó.

B.M.

  • Chính phủ: Vẫn thực hiện cấp “2 giấy”

Tối qua, 16-8, ông Nguyễn Kinh Quốc, Người phát ngôn của Thủ tướng cho PV SGGP biết: Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định tiếp tục thực hiện Nghị định số 95 về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng (GCN QSHN). Như vậy, đây là loại giấy thứ hai về bất động sản gắn liền với đất bên cạnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Quốc, quyền sở hữu nhà ở của công dân đã được Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 1993 quy định. Cấp GCN QSHN là vấn đề lớn, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ, đã được nhiều tỉnh thành phố lớn đồng thuận cần phải có loại giấy này. Phần lớn các thành viên Chính phủ cũng đã đồng ý như vậy. Sau khi tham khảo ý kiến đề xuất của các bộ và một số địa phương, ngày 25-4-2005, Thường trực Chính phủ đã họp và quyết định thực hiện việc cấp loại giấy chứng nhận nói trên.

 Nhà ở và công trình xây dựng là những tài sản lớn. Cấp GCN QSHNø cho công dân là rất cần thiết, rất bức xúc của nhân dân nhằm để chủ sở hữu thực hiện quyền của mình trong mua bán, cho, tặng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh...

Đồng thời, cũng nhằm được Nhà nước công nhận, bảo hộ đối với tài sản là nhà ở. Do vậy, khi các tài sản này đã có đủ điều kiện như đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... thì cần phải cấp giấy chứng nhận cho các công trình này.

K.Q.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục