
(SGGP-12G).- Vừa qua, tại ấp Vườn Cò (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), “Hai Lúa” Năm Viên (Võ Văn Viên) đã làm công việc “xưa nay hiếm” là tự mở hội thảo nông nghiệp tại nhà. Thế mà nhiều nông dân, lãnh đạo ngành nông nghiệp, một số nhà khoa học và nhà nông ở các tỉnh ĐBSCL không quản ngại đường xa đến dự, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm…
Nhà nông: Hai trong một

Ông Năm Viên trên cánh đồng lúa của mình
Hay tin ông Năm Viên mở hội thảo tại nhà về giống lúa mới vào giữa tháng 6-2009, chúng tôi lấy làm lạ và đến dự xem thế nào. Khoảng hơn 8g, sau khi ông tuyên bố hội thảo bắt đầu, chương trình đầu tiên là ông mời hơn 80 đại biểu đi ra ruộng nhà ông xem giống lúa.
Trước khi đi, ông còn phát sẵn mỗi người một phiếu đánh giá giống lúa. Sau gần 1,5 giờ đánh giá thực tế trên đồng ruộng, các đại biểu trở lại nhà ông và đưa ra đánh giá của mình cùng những thắc mắc về giống lúa, sâu bệnh và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trồng lúa.
Vốn là một người mê lúa giống, vừa đặt chân lên cánh đồng lúa giống của ông, chị Lê Thị Lệ Hoa – thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) như hoa mắt trước những loại giống lúa OM 8923, OM 5451, TP5, VT1... Chị Hoa cứ chăm chú quan sát và lấy sổ ghi chép xem các đặc điểm thân, bông, hạt, sức chịu đựng sâu bệnh... như thế nào.
Qua xem xét chị “kết” giống lúa OM 8923 vì cây lúa ra đẹp, chống chọi sâu bệnh tốt, bông ngắn nhưng đẻ chồi nhiều, hạt gạo trong và dài nên dễ xuất khẩu...
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Sơn (nông dân ở An Giang) cũng đánh giá cao giống lúa OM 8923 như lúa cứng cây, đẻ nhánh tốt, ít bị sâu bệnh, xuất khẩu được…
Sau đó, tại nhà ông, cuộc hội thảo được diễn ra trong không khí thân tình. Một buổi trao đổi thẳng thắn giữa những “Hai Lúa” với các nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp. Một số câu hỏi của các nhà khoa học cũng được các nông dân trả lời cởi mở với những lời lẽ rất “Hai Lúa”.
Ông già mê… lúa
Năm nay, dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn còn rất khỏe, suốt ngày ở ngoài ruộng “ngắm” lúa. Ông vui vẻ: “Tôi tâm niệm rằng “Hai Lúa” bây giờ phải học suốt cả đời. “Hai Lúa” phải biết tiếp thu những tiến bộ khoa học. Chứ đứng một chỗ hoài, biết chừng nào người nông dân mới “đi” lên được”.
Thời điểm có tính bước ngoặt đối với “Hai Lúa” Năm Viên là vào năm 1993. Năm ấy, khi ông được tham gia lớp học về IPM của Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long - đây cũng là lần đầu tiên ông tiếp xúc với các nhà khoa học. Tại đây, ông có điều kiện tiếp cận trao đổi những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với các chuyên gia… Tích lũy dần kinh nghiệm và học hỏi nhiều nơi đã làm ông càng thêm mê “nghiệp nông gia”.

Các đại biểu tham dự hội thảo đang đánh giá chất lượng giống trên cánh đồng lúa của ông Năm Viên
Chúng tôi hỏi vì sao ông “gan” tự đứng ra mở hội thảo tại nhà mà từ trước tới nay nông dân chưa mấy ai làm? “Vì tôi mê lúa”- ông Năm Viên thẳng thắn đáp. Khi nói chuyện về giống lúa, ông Viên như bắt được nhịp và nói say sưa, vanh vách như một chuyên gia. Ông Viên không nhớ bao lần đi khắp các cánh đồng ở miền Tây để sưu tầm những giống lúa. Mỗi khi nghe nói đâu đó có giống lúa mới, cho năng suất cao là ông tìm đến, xin cho bằng được để mang về nhân lên.
Còn chuyện tổ chức hội thảo, ông kể: “Khi gia đình thấy tôi đã lớn tuổi, định mở tiệc mừng thọ, tôi “đòi”: “Tổ chức cho tôi cuộc hội thảo về lúa thì có ý nghĩa hơn”.
Có mặt tại cuộc hội thảo ở nhà ông Năm Viên vừa qua, nhiều đại biểu khâm phục và đánh giá cao việc làm của ông. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp) nói: “Nếu địa phương nào cũng có nhiều người như ông Năm Viên thì rất tốt cho bà con. Người nông dân tự đứng ra mở hội thảo và huy động được nhiều nhà quản lý và khoa học như vậy rất hiếm”.
Còn ông Trương Tấn Được - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng với mô hình này. Huyện Măng Thít có khoảng 7.000 ha đất trồng lúa, trước đây bà con muốn có giống mới, đạt chất lượng thì phải lặn lội đi rất xa. Nhưng hiện tại, địa phương đã có. Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh việc nhân giống lúa và mô hình của ông Năm Viên rất tốt”.
Bình Đại