Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Hai nước Việt - Trung cùng hướng tới thịnh vượng chung

Hai nước Việt - Trung cùng hướng tới thịnh vượng chung

Chủ tịch nước Trần Đức Lương sắp lên đường thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

“Tăng cường tin cậy, bảo đảm sự phát triển ổn định để hướng tới sự thịnh vượng chung” là một trong những tinh thần chủ đạo của chuyến thăm, được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nêu bật trong cuộc trả lời phỏng vấn của SGGP xung quanh sự kiện quan trọng này.

- PV:
Đề nghị Bộ trưởng cho biết về các hoạt động quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc?

- Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Trong thời gian chuyến thăm từ ngày 18 đến 22-7, Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Ngoài Bắc Kinh, dự kiến Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ đi thăm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Hai nước Việt - Trung cùng hướng tới thịnh vượng chung ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên

- Mục đích chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đức Lương tới Trung Quốc là gì, thưa Bộ trưởng?

- Ngoài ý nghĩa duy trì truyền thống gặp gỡ cấp cao - một nhân tố quan trọng trong việc tăng cường tin cậy, bảo đảm sự phát triển ổn định, liên tục của quan hệ hai nước, chuyến thăm lần này là sự khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đưa quan hệ hữu nghị, ổn định, hợp tác toàn diện và tin cậy giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Hai bên sẽ trao đổi và thỏa thuận nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại... nhằm khai thác tiềm năng của hai bên và quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Trung Quốc.

- Một số thông tin cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán song phương về việc gia nhập WTO của Việt Nam. Liệu sẽ có một tuyên bố nào được đưa ra nhân chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trần Đức Lương?

- Đàm phán song phương về việc Việt Nam vào WTO đã cơ bản hoàn thành. Hai bên đang phấn đấu để có thể ký văn kiện chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán song phương trong chuyến thăm này.

- Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước tiến mới trong những năm qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của cả 2 nước và Trung Quốc mới chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, liệu có bước đột phá nào về quan hệ thương mại hai nước?

- Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã có bước phát triển đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2004 đạt 7,2 tỷ USD. Trung Quốc đã trở thành bạn hàng số 1 của Việt Nam. Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 675,6 triệu USD với 328 dự án, đứng thứ 15 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Trung Quốc, tôi tin rằng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục có những cuộc bứt phá mạnh mẽ.

- Hai bên đã đồng ý xây dựng hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lạng Sơn - Nam Ninh và Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh và vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình hợp tác này vẫn chưa tạo nên những hành lang kinh tế mạnh. Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước, hai nước sẽ bàn những biện pháp cụ thể gì để các hành lang kinh tế trên phát triển mạnh mẽ hơn?

- Về việc xây dựng “2 hành lang, 1 vành đai kinh tế”, tổ chuyên gia hai bên đã tiến hành vòng họp thứ nhất để nghiên cứu tính khả thi của ý tưởng này, nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát chung, trao đổi nghiên cứu để sớm thống nhất được báo cáo chi tiết trình Chính phủ hai nước phê duyệt. Việc xây dựng “2 hành lang, 1 vành đai kinh tế” sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước, trước hết là giữa tỉnh biên giới và các tỉnh ven vịnh Bắc bộ trong một loạt lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải..., từ đó hình thành một không gian hợp tác rộng lớn giữa hai nước.

- Đến 15-7-2004, hai bên đã phân giới được 208/1.350km đường biên giới; cắm được 137/1.375 mốc (ta cắm được 63 mốc, phía Trung Quốc cắm được 74 mốc) và đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành cắm mốc biên giới trên thực địa vào năm 2005. Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Trung Quốc, hai bên sẽ đưa ra biện pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cắm mốc biên giới hai nước?

- Chúng ta đánh giá tích cực những tiến triển rõ rệt trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, tuy nhiên, nhiệm vụ còn khá nặng nề. Hai bên đều bày tỏ quyết tâm hợp tác tích cực hơn nữa để chậm nhất đến năm 2008 hoàn thành toàn bộ việc phân giới cắm mốc trên biên giới Việt - Trung, ký Hiệp định quản lý biên giới mới thay cho Hiệp định tạm thời năm 1991, xây dựng biên giới Việt – Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng. 

VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục