Hầm đá bỏ hoang, tai nạn khôn lường

Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng bất an ở những hầm đá bỏ hoang. Do khai thác đá, nhiều nơi ở khu vực thị xã Dĩ An (Bình Dương) và xã Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã thành những hố sâu “tử thần”, liên tiếp gây ra những cái chết thương tâm cho người dân.
Hầm đá bỏ hoang, tai nạn khôn lường

Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng bất an ở những hầm đá bỏ hoang. Do khai thác đá, nhiều nơi ở khu vực thị xã Dĩ An (Bình Dương) và xã Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã thành những hố sâu “tử thần”, liên tiếp gây ra những cái chết thương tâm cho người dân.

Những cái chết được báo trước

Sáng 2-5, một số người dân sống quanh hồ đá ở Làng Đại học (thuộc khu vực phường Đông Hòa, Dĩ An) phát hiện dưới hồ có thi thể một nam thanh niên tên T.T.H., là sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Trước đó, sáng 15-4, hai em V.V.K. và N.V.C (cùng 13 tuổi) đi chơi ở khu vực hầm đá tại xã Hóa An (TP Biên Hòa) nhưng không thấy trở về. Gia đình đi tìm thì phát hiện hai em chết đuối trong hồ nước sâu. Hồ này rộng khoảng 4ha, sâu hàng chục mét nhưng không được rào chắn, cũng không có biển cảnh báo cẩn thận.

Dù rất nguy hiểm nhưng nhiều thanh niên vẫn thi nhau nhảy xuống hầm đá ở Dĩ An, Bình Dương để tắm.

Dù rất nguy hiểm nhưng nhiều thanh niên vẫn thi nhau nhảy xuống hầm đá ở Dĩ An, Bình Dương để tắm.

Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, riêng tại khu vực hầm đá thuộc phường Đông Hòa (giáp ranh với phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) đã có trên 50 người chết đuối, gồm công nhân, sinh viên và học sinh trong vùng. Đây là các mỏ đá được khai thác từ hơn 10 năm trước, gồm 3 hố sâu bỏ hoang nhiều năm, đã tạo thành các hồ nước lớn, có độ sâu hơn 10m, nhiều đoạn lòng chảo dưới hồ sâu 30 - 50m do khai thác đá tạo nên. Do vị trí hồ đá nằm giáp với Làng Đại học - nơi tập trung hàng chục ngàn sinh viên đang sinh sống và học tập, nên mỗi ngày đã thu hút nhiều sinh viên ra khu vực hồ dạo mát, chụp hình tại các mỏm đá nhô cao và dựng đứng rất nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể trượt chân té xuống hồ chết đuối.

Theo Công an phường Đông Hòa, có những vụ chết nhiều người cùng một lúc và cùng một địa điểm tại khu vực hồ đá. Có trường hợp 3 thanh niên đi ca nô dạo chơi trên hồ, bỗng dưng chiếc ca nô lật úp, hất văng xuống hồ. Không biết bơi, hồ sâu, nước lạnh, 3 thanh niên nhanh chóng chìm sâu trong lòng hồ trước sự bất lực của nhiều người. Rồi vụ 4 công nhân, quê ở Nghệ An rủ nhau ra hầm đá chụp ảnh và trượt ngã xuống nước, cùng chết đuối…

11 hồ “tử thần” và hơn thế nữa

Hiện tại, một số mỏ đá ở khu vực thị xã Dĩ An và TP Biên Hòa đang hoạt động, nếu như ngưng hoạt động cũng sẽ để lại hàng hoạt hố sâu hun hút giống hệt như các hồ “tử thần” ở Làng Đại học. Riêng tại khu vực có hầm đá ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) và xã Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai), có không dưới 11 mỏ đá khai thác xong bỏ hoang, đầy nước, nằm liền nhau. Có hầm được rào chắn, có hầm không rào chắn mặc dù nằm sát với khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Vân Anh (nhà cách hầm đá Hóa An vài trăm mét) bức xúc kể: “Cách nay khoảng 2 tháng, con gái tôi (6 tuổi) suýt chết dưới hồ nước này nếu như không được người nhà phát hiện kịp thời. Ở đây dù hồ có rào chắn, trẻ con vẫn có thể lọt qua được, dễ sẩy chân rơi xuống”. Gần đó, mỏ đá xã Tân Hạnh cũng chỉ cách đường lộ khoảng 1km, bên cạnh có khá nhiều nhà dân. Mặc dù các cổng ra vào đều có chốt bảo vệ, nhưng việc ra vào mỏ đá, thậm chí tiến sát vực thẳm lại không có ai kiểm soát, ngăn chặn.

Ngoài những hầm đá nước đọng do bỏ hoang, còn có những mỏ đá đang khai thác, sâu hàng chục mét. Tại mỏ đá Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, Bình Dương), ai cũng phải rợn người khi đứng trên bờ vực mỏ đá nhìn xuống sâu hun hút và rộng nên nhìn những chiếc xe tải chở đá từ lòng mỏ lên trông chỉ nhỏ như những con cóc. Chỉ cách Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B vài chục mét, là công trường khai thác mỏ đá Núi Nhỏ. Trên diện tích rộng hàng chục hécta đã hình thành những hố sâu cả trăm mét.

Hiện tại, chính quyền các địa phương đã dựng rào chắn, biển báo nguy hiểm xung quanh các hồ, nơi đang khai thác nhưng không hiểu sao, vẫn có rất nhiều người lao xuống các hồ để tắm, thi bơi… hay leo lên những vách đá cheo leo để ngắm cảnh, chơi đùa. Điều này, khiến sinh viên lẫn người dân tỏ ra chủ quan, coi thường nơi nguy hiểm này. Người dân địa phương lo ngại khi các đơn vị khai thác mỏ đá xong, sẽ còn thêm bao nhiêu hầm đá bỏ hoang nữa, chính quyền các địa phương sẽ có biện pháp gì để hạn chế người tử vong ngoài những biện pháp nêu trên?

Theo Quyết định 71/2008 của Thủ tướng, các tổ chức, cá nhân khai thác đá phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác, phải đảm bảo đưa môi trường đất, nước, thảm thực vật, cảnh quan của toàn bộ hay từng phần mỏ sau khai thác đạt các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường. Cụ thể: phải lấp đầy, trả lại mặt bằng như trước (nếu có thể) hoặc tạo thành hồ chứa nước có đê bao nếu việc khai thác mỏ lộ thiên tạo ra các hố quá to (nhưng không có nguy cơ tạo dòng thải acid mỏ); san gạt, tạo mặt bằng để phủ xanh hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

PHAN SƠN

Tin cùng chuyên mục