Xung quanh đề án về tăng giá điện

Hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân: Theo lộ trình

Hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân: Theo lộ trình

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã khẳng định: một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 là phải hạn chế tình trạng thiếu điện bằng cách triển khai lộ trình tăng giá điện, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển nguồn điện, đảm bảo “an ninh năng lượng”. Bên lề Quốc hội, báo SGGP đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải xung quanh vấn đề trên.

- Mới đây Bộ Công nghiệp đã có đề án tăng giá điện trình Chính phủ, trong đó, Bộ Công nghiệp đề xuất chủ trương tăng giá điện ở phạm vi điện sinh hoạt. Nội dụng cụ thể của đề án này là gì, thưa Bộ trưởng?

Hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân: Theo lộ trình ảnh 1

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải.

- Bộ trưởng HOÀNG TRUNG HẢI: Để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia bỏ vốn đầu tư các công trình nguồn điện, đòi hỏi chúng ta phải có một mặt bằng giá điện phù hợp, đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận thích hợp cho các nhà đầu tư nguồn điện. Bởi vậy, ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá điện trong 3 năm (2006-2008) trình Thủ tướng xem xét, quyết định để áp dụng ngay từ đầu năm 2006.

Hiện nay, phương án giá điện cụ thể đang được Bộ Công nghiệp khẩn trương xây dựng. Chúng tôi xác định việc tính toán và thẩm định các phương án tăng giá điện phải đảm bảo các mục tiêu như: khuyến khích người dân dùng điện hợp lý, tiết kiệm; phù hợp với tình hình thực tế của nước ta, đảm bảo tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đồng thời, thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện.

- Theo Bộ trưởng, việc tăng giá điện sắp tới theo phương án đang xây dựng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả và đời sống dân sinh như thế nào?

- Từ năm 1994 đến nay, chúng ta đã nhiều lần điều chỉnh giá điện theo sự trượt giá của nhiên liệu, tiền lương và các loại chi phí khác. Tuy nhiên, cho đến năm 2004, chúng ta vẫn duy trì biểu giá bán điện thống nhất trong toàn quốc với đặc điểm: áp dụng cơ chế 2 giá với khách hàng trong nước và khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời bù chéo lớn giữa giá bán điện cho sản xuất cho giá bán điện sinh hoạt. Cách làm này đã bộc lộ nhược điểm. Bởi vậy, bây giờ cần phải cải cách giá điện theo 2 chủ trương: Hòa đồng giá điện, xóa bỏ cơ chế hai giá để thu hút đầu tư nước ngoài và giảm bù chéo giữa giá điện sản xuất và điện sinh hoạt.

Nhìn chung, khi phải điều chỉnh giá điện thì ít nhiều cũng có tác động và ảnh hưởng tới một số ngành sản xuất sử dụng điện và người tiêu dùng. Bởi vậy, Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và cân nhắc kỹ các phương án theo hướng cố gắng hạn chế ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

- Mức tăng theo phương án mà Bộ Công nghiệp đang chuẩn bị liệu đã đủ để chúng ta thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện?

- Một trong những mục tiêu tăng giá điện sắp tới là nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện. Bởi vậy, chúng ta cần phải có một mặt bằng giá điện đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo tính toán từ tổng sơ đồ, chi phí biên dài hạn để sản suất điện của Việt Nam là 7 - 7,5 cents/kWh. Nhưng hiện nay giá bán bình quân của EVN chỉ khoảng 4,95 cents/kWh.

Tuy nhiên, không phải chúng ta điều chỉnh ngay lập tức lên tới mức chi phí biên dài hạn mà sẽ theo một lộ trình. Có thể mức tăng giá điện trong những năm tới chưa làm hài lòng ngay các nhà đầu tư, nhưng việc Việt Nam dần tiến đến một thị trường điện hoàn hảo sẽ tạo môi trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Được biết, từ 1-1-2006, mặt hàng than đá cũng sẽ tăng giá. Theo ông, việc tăng giá than liệu có trở thành áp lực cho các nhà máy nhiệt điện, thậm chí còn ảnh hưởng một lần nữa tới việc tăng giá điện?

- Hàng năm, các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ trên 4,5 triệu tấn than. Chi phí về nhiên liệu thường chiếm khoảng 60%-70% giá thành sản xuất điện. Do đó, việc tăng giá than trong chừng mực nào đó sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Trong khi đó, hiện nay giá than không thuộc các loại giá do Nhà nước quản lý.

Giá than sẽ do bên mua và bán thoả thuận trên cơ sở cung cầu và mặt bằng giá thị trường. Một khi 2 bên không thoả thuận được thì Nhà nước mới can thiệp. Trong năm nay, khi Tổng Công ty Than Việt Nam đề nghị tăng giá thì nhiều đơn vị đã không chấp thuận. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá than trong năm 2005.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phương án tăng giá điện lần này chúng tôi đã phải cân nhắc kỹ những yếu tố có thể biến động trong thời gian tới. Nhưng dù sao, nếu than tăng giá thì cũng là một khó khăn cho ngành điện; đó là chưa kể có thể nảy sinh những vấn đề ngoài dự báo.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng. 

VĂN PHÚC thực hiện

Tin cùng chuyên mục