Bức xúc của doanh nghiệp vận tải:

Hạn chế tốc độ, bấm lỗ bằng lái!

Hạn chế tốc độ, bấm lỗ bằng lái!

Sau 10 năm, hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhưng tốc độ quy định cho phương tiện giao thông lại… thụt lùi; quy định về “bắn” tốc độ và bấm lỗ giấy phép lái xe (GPLX) không hợp lý; việc tạm giữ phương tiện áp dụng tràn lan… Đó là những bức xúc được các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu ra tại buổi làm việc với Tổ công tác 23 của Thủ tướng Chính phủ, vừa diễn ra ngày 23-9 ở Hà Nội.

  • Hạn chế tốc độ: phi kinh tế?

Từ năm 1985 đến nay, đã có 4 văn bản pháp luật quy định về tốc độ cho phương tiện giao thông, nhưng theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tốc độ tối đa mà phương tiện được phép dường như chưa có gì thay đổi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội này bức xúc nói: “Trong 10 năm qua, đường sá được nâng cấp nhiều. Vậy mà, quy định về tốc độ không có gì tiến bộ, thậm chí còn thụt lùi”.

Hạn chế tốc độ, bấm lỗ bằng lái! ảnh 1

Xe lưu thông trên QL 1A đoạn TPHCM - Cần Thơ: tài xế phập phồng vì sợ bắn tốc độ và bấm lỗ bằng lái!

Năm 1995, xe ô tô dưới 5 chỗ ngồi được phép đi vận tốc tối đa 80km/giờ ở đường ngoài đô thị; còn hiện nay loại xe này được đi với vận tốc 70km/giờ, nếu có dải phân cách cứng mới được đi 80km/giờ. Ông Hùng cho rằng, quy định tốc độ như vậy là “phi kinh tế”, kiềm chế năng lực vận tải.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đưa ra một minh họa khá hay: cách đây 76 năm, một hãng xe đò ở Sài Gòn đã quảng cáo thời gian chạy xe từ Sài Gòn về Cần Thơ là 5 tiếng; còn nay thời gian chạy xe từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ cũng vẫn mất khoảng 5 tiếng!

Từng có kinh nghiệm lái xe nhiều năm, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) bức xúc: “Trước đây, tôi lái xe tải tuyến Hà Nội – Hải Phòng, chạy ít nhất cũng được 2 chuyến/ngày, nhưng bây giờ chỉ chạy được 1 chuyến. Vậy hàng ngàn tỷ đồng xây dựng QL5 có nghĩa lý gì?”.

  • Bấm lỗ GPLX có thể tăng nguy cơ tai nạn giao thông

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính có quy định hình thức xử phạt bổ sung (ngoài phạt tiền), nhưng không quy định việc đánh dấu trên GPLX. Vậy mà trong Nghị định 15 có đến 59 hành vi vi phạm luật lệ giao thông bị bấm lỗ GPLX.

Hơn nữa, một GPLX bị bấm lỗ 3 lần sẽ bị thu hồi. Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, quy định này làm cho các lái xe luôn nơm nớp lo sợ khi lái xe trên đường, “chỉ nhìn công an mà không nhìn đường” nên rất nguy hiểm.

Ông Hoàng Đình Thắng cũng nhận định: hậu quả của bấm lỗ GPLX là “rất khủng khiếp”. Để giữ GPLX, khi lái xe vi phạm sẽ không trình bằng lái, mà chấp nhận để công an tạm giữ phương tiện, và chủ doanh nghiệp vận tải sẽ lãnh đủ. “Ngoài tiền phạt, chúng tôi còn phải chịu 84.000 đồng/ngày bị giữ phương tiện” – ông Thắng bức xúc.

Đa số DN vận tải đều kiến nghị cần bãi bỏ biện pháp bấm lỗ GPLX, bởi việc làm này sẽ “tước đi quyền được lao động” của một số lái xe. Khi GPLX bị bấm lỗ và tạm giữ, người lái xe sẽ không được tiếp tục lái. Chủ DN sẽ phải tìm người khác thay thế. Đến khi lấy lại được GPLX, người lái xe đã mất chỗ làm và rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Nhiều DN cho rằng, khi ra quyết định tạm giữ xe, cần phải xác định rõ lỗi của chủ xe hay lái xe. Không thể vì lỗi của lái xe mà tạm giữ xe khiến chủ xe “mang vạ”. Ông Nguyễn Anh Duy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thẳng thắn nói: Cái xe đâu có tội tình gì!”.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tổ phó Tổ công tác 23 đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô có văn bản chính thức kiến nghị về những bất hợp lý của quy định hạn chế tốc độ, “bắn” tốc độ, bấm lỗ GPLX, giữ xe tràn lan… “Tổ 23 sẽ báo cáo đầy đủ lên Thủ tướng Chính phủ để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN” – ông Mẫn khẳng định. 

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục