Không tốn tiền thuê mặt bằng, sản phẩm không bị cơ quan chức năng kiểm tra, do vậy việc kinh doanh qua Facebook phát triển rầm rộ. Việc bán hàng online hiện nay rất dễ dàng, chỉ cần bỏ ra chút vốn, xác định mặt hàng cần bán. Sau đó lập Facebook, chụp hình, quay clip về sản phẩm sao cho thật bắt mắt. Muốn có lợi nhuận cao thì cần có nhiều mẹo, như nâng giá lên cao rồi tung ra nhiều khuyến mãi ảo hấp dẫn (giảm giá, tặng kèm quà), hình ảnh bắt mắt, lấy tên các thương hiệu nổi tiếng để thu hút người mua. Khi mua hàng online, người tiêu dùng chủ yếu chỉ được xem sản phẩm bằng hình ảnh, clip mô tả, chứ không được tiếp cận kiểm chứng. Nhiều người bán không có đạo đức kinh doanh đã lợi dụng kẽ hở đó để thực hiện nhiều vụ bán hàng giả cho khách hàng. Hiện nay, hàng hóa bán trên mạng rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử... Đây là những mặt hàng có sức tiêu thụ khá lớn, nên nguy cơ bị làm giả, làm nhái rất cao, người tiêu dùng chỉ phát hiện được sau khi mua về sử dụng.
Buôn bán hàng giả, hàng nhái qua internet ngày càng có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Hiện nay, việc tố giác người bán hàng giả, hàng nhái gặp nhiều khó khăn, bởi mua hàng online chỉ thông qua giao dịch trên mạng xã hội, không có hóa đơn chứng từ và khó xác định địa chỉ người bán. Khi nhận hàng, sản phẩm không giống như quảng cáo, người mua nhắn hỏi shop thì được hứa hẹn sẽ đổi lại, nhưng sau nhiều ngày vẫn không thấy hồi âm và bị người bán chặn tài khoản Facebook và số điện thoại. Do vậy, khi mua phải những hàng giả có giá trị thấp, người tiêu dùng thường đành cam chịu mất tiền, vì ngại việc khiếu nại, tố cáo phải làm thủ tục giấy tờ rất mất thời gian, coi như một bài học rút kinh nghiệm cho bản thân.
Mua sắm online đem đến cho người tiêu dùng nhiều tiện lợi, nhưng trong bối cảnh hoạt động bán hàng online chưa đi vào nề nếp, chưa được quản lý chặt chẽ, nên rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng là rất cao. Để đảm bảo khi mua hàng online, người tiêu dùng nên chọn những địa chỉ bán hàng có uy tín, cho khách hàng kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp mạnh tay xử lý những trường hợp bán hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái là vi phạm pháp luật. Theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng, đối với trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.