
Hàng ngàn con hẻm tại TPHCM từ nhiều năm qua vẫn bị “treo” lơ lửng, gây không ít khó khăn cho người dân trong việc sửa chữa, chuyển nhượng nhà cửa. Mới đây Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) đã đưa ra bản dự thảo (lần 2) về tiêu chí hẻm giới để trình UBND TPHCM xem xét. Người dân sống tại các con hẻm mừng khấp khởi nhưng…
Hẻm “treo” đầy rẫy

Hẻm 176 đường Trần Quốc Thảo, phường 7 quận 3, đã công bố lộ giới từ lâu, đến nay vẫn chưa thực hiện được việc mở rộng.
Hiện nay, bước chân ra ngõ, nhiều người dân thành phố đụng ngay những tấm biển với dòng chữ: “Hẻm… dự kiến mở rộng…”. Quận 3 có hơn 600 con hẻm thì hơn phân nửa (khoảng 350 hẻm tại phường 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) đã được UBND quận lập xong đề án và cắm bảng quy định hẻm giới từ cuối năm 2004, rồi “treo” cho đến nay vì chờ Sở QH-KT thẩm định và phê duyệt.
Trên đường Võ Thị Sáu, hầu như con hẻm nào cũng để biển ghi rõ bề rộng hẻm dự kiến phóng.
Người dân cho biết, không ít tấm biển đã hiện diện nhiều năm nhưng vẫn chưa biết bao giờ thì hẻm được mở rộng.
Để xóa “treo”, UBND quận 3 đã vận động nhân dân cùng làm, trung bình mỗi phường làm một hẻm/năm. Ngoài ra, UBND quận 3 cũng chỉ đạo UBND các phường và phòng quản lý đô thị rà soát định kỳ những kiến nghị của người dân để đối chiếu với quy hoạch hiện tại, nếu không khả thi thì điều chỉnh.
Do đó, một số hẻm đã được “tháo treo” như hẻm Cư xá Đô Thành; một số hẻm giới được thu hẹp cho phù hợp như hẻm 177, hẻm 181 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5 từ 4,5m xuống 3,5m… Và dĩ nhiên, không phải người dân nào cũng đồng ý và có thể cùng nhà nước mở rộng hẻm nên rất nhiều hẻm vẫn tiếp tục “treo” và quyền lợi người dân cũng bị “treo” theo.
Trả lời câu hỏi quy hoạch hơn cả năm rồi sao vẫn cứ “treo”, đại diện UBND quận 3 cho biết: Quận không có kinh phí để đền bù. Nhưng nếu không cắm bảng thì làm sao định hướng được quy hoạch giao thông(!?).
Hẻm số 1 đường Phan Văn Trị quận Bình Thạnh rộng 4m nhưng quy hoạch thành 4,5m. Nhiều người dân ở đây rất bức xúc vì không biết dựa trên cơ sở nào các cơ quan chuyên môn mở rộng thêm 0,5m.
Bác Nguyễn Văn Thưởng, một người dân trong khu vực cho biết, mục đích mở rộng hẻm là tạo sự thông thoáng, xe cứu hỏa có thể ra vào được nhưng ở đây đã thông thoáng, xe chữa cháy có thể ra vào thoải mái rồi.
Nhiều người dân ở hẻm 75 đường Điện Biên Phủ lại rất vui mừng trước thông tin con hẻm này được mở rộng từ 3m thành 8m, nhưng ngay sau đó là nỗi lo vì “vẽ” ra rồi để đó thì “cái gì cũng bị treo theo”.
Hẻm nên rộng bao nhiêu?

Hẻm 147 đường Huỳnh Văn Bánh phường 12 quận Phú Nhuận có khoảng 10 gia đình với nhiều nhà nhỏ. Việc mở rộng lộ giới hẻm sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của họ.
Từ trước đến nay, chưa có một quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn hẻm giới.
Để đảm bảo việc phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường, năm 1997, UBNDTP đã đặt ra một số quy định về hẻm giới như: hẻm giới tối thiểu là 4,5m, những hẻm có chiều dài không quá 25m thì hẻm giới 4m.
Tại một số khu dân cư mới, khu vực cải tạo lớn có điều kiện mở rộng thì hẻm giới tối thiểu là 8m.
Dựa theo những quy định trên, mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu, dẫn đến việc hẻm “treo” khắp TP.
Theo dự thảo tiêu chí hẻm lần 2 của Sở QH-KT, hẻm giới đã được thu hẹp 0,5m. Hẻm dài dưới 25m thì hẻm giới là 3,5m (trước đây 4m), hẻm dài 25-50m thì hẻm giới là 4m (trước đây 4,5m). Hẻm giới tối thiểu từ 3,5m đến 6m tùy theo chiều dài hẻm.
Ở những nơi có mật độ dân cư sống hai bên hẻm quá cao, khoảng trên 300 người/ha, hoặc dọc theo hẻm có trụ điện cần tăng thêm 0,5m.
Đối với các quận, huyện ven thì có thể tăng hoặc giảm 0,5m - 1m cho phù hợp với thực tế… Chiều dài tối đa của hẻm cụt là 150m, đối với những hẻm khúc khuỷu gây trở ngại giao thông, khi xác định hẻm giới cần nắn hẻm.
Tại những khu dân cư đã có quy hoạch chi tiết được duyệt có đường dự phóng trùng với đường hẻm hiện hữu thì việc cấp phép xây dựng phải tuân theo lộ giới quy hoạch của đường dự phóng.
Trong trường hợp xét thấy quy hoạch chi tiết trước đây không khả thi thì UBND quận, huyện chủ động điều chỉnh theo quy định hiện hành.
Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Hòa thừa nhận trước kia khi quy hoạch hẻm tiêu chí cũng chưa rõ ràng nên dẫn đến “treo”. Đại biểu HĐNDTP Huỳnh Minh Trí cho rằng, quy hoạch hẻm không khả thi, không cần thiết thì phải bỏ; tiêu chí để định hẻm giới phải rõ ràng.
Một số ý kiến cho rằng hẻm giới tối thiểu cũng nên linh động theo từng địa phương. Nhưng theo ông Nguyễn Thế Huy, Phó phòng Quản lý đô thị quận 3, nên có tiêu chí hẻm tối thiểu để đảm bảo giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy… trừ những hẻm cụt, hẻm nhánh là lối đi chung của một số hộ gia đình thì người dân có thể thỏa thuận với nhau.
Tình trạng hẻm “treo” khắp nơi đang là vấn đề bức xúc của nhiều người nhưng không vì thế mà phủ nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của quy hoạch hẻm.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để việc quy hoạch hợp lý và đảm bảo được quyền lợi của người dân. Người dân đang mong dự thảo sớm được thông qua để TP có tiêu chí hẻm rõ ràng và quyền lợi của người dân không còn bị “treo” theo những con hẻm được quy hoạch cảm tính, không phù hợp.
HẠNH NHUNG - TRÀ GIANG