Hàng xuất khẩu phục vụ tiêu dùng nội địa

Theo xu thế chung của thế giới, người tiêu dùng (NTD) trong nước ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, nhất là thực phẩm thiết yếu. Do vậy, các nhà bán lẻ đã và đang có sự điều chỉnh danh mục hàng hóa theo hướng đưa sản phẩm chất lượng cao để phục vụ khách hàng.

Thay đổi chiến lược kinh doanh

Theo kết quả cuộc khảo sát NTD bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, NTD không chỉ chú trọng những yếu tố cơ bản như chất lượng, giá cả... mà ngày càng quan tâm tới các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, những yếu tố về an toàn sử dụng, thông tin rõ ràng về chất lượng và nhà sản xuất được NTD quan tâm hơn trước.

Tương tự, kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng 2023 của Công ty PwC Việt Nam cũng cho biết, dù người dân đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song NTD vẫn sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững, có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ các công ty có uy tín. Trước xu hướng NTD Việt ngày càng khắt khe hơn đối với việc sử dụng sản phẩm, nhất là thực phẩm, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà doanh nghiệp bán lẻ cũng phải thích ứng.

Trong tâm thế cơ cấu lại danh mục hàng hóa theo hướng đưa những sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh phục vụ khách hàng, ngày 11-11 vừa qua, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chính thức phân phối cá tra dầu trên toàn hệ thống bán lẻ gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife…

Đáng chú ý, Saigon Co.op cũng là đơn vị đầu tiên trên thị trường chính thức đưa cá tra dầu - vốn được mệnh danh là “báu vật sông Mekong”, vào kênh phân phối hiện đại. Theo thông tin từ nhà bán lẻ này, cá tra dầu tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… được canh tác tại vùng nguyên liệu Đồng Tháp, được nuôi hàng ngày bằng thức ăn đạt chuẩn xuất khẩu.

Cá tra dầu lên kệ siêu thị Co.opmart

Cá tra dầu lên kệ siêu thị Co.opmart

“Việc lấy nguồn cung tận vùng nguyên liệu có quy mô lớn, nuôi cấy từ những con cá giống khi còn nhỏ, bên cạnh đó cắt giảm toàn bộ khâu trung gian để có thể đưa những con cá tra dầu đạt chuẩn xuất khẩu đến tay NTD trong nước với giá giảm và ổn định”, bà Nguyễn Ngọc Diện, quản lý ngành hàng cấp cao, Phòng Kinh doanh Saigon Co.op, cho biết.

Đưa hàng chuẩn xuất khẩu lên kệ siêu thị

Hiện nhiều hệ thống bán lẻ đã bắt tay với nhà cung ứng để đưa hàng chuẩn xuất khẩu lên quầy kệ phục vụ NTD nội địa. Đại diện Saigon Co.op cho biết, không chỉ đưa vào kinh doanh mặt hàng thực phẩm mới ngon, bổ, giá rẻ hơn thị trường, Saigon Co.op còn giới thiệu, bổ sung nhiều mặt hàng mới để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng trong mùa mua sắm cuối năm, kéo dài từ đây đến Tết Nguyên đán 2024.

Đơn cử, đơn vị đã hợp tác cùng The Fruit Republic - đơn vị chuyên xuất khẩu bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, để phát triển trái bưởi Co.op Select đạt chất lượng châu Âu cung ứng cho hệ thống siêu thị Co.opmart trong nước. Sản phẩm nhằm chinh phục những khách hàng sành ăn và khó tính nhất.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Marketing Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), hiện Vinamilk có khoảng 250 sản phẩm cung ứng trên thị trường. Điều đáng nói là những dòng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế phục vụ cho xuất khẩu tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu cũng đồng thời được phân phối tại thị trường trong nước. Cũng theo ông Trí, thị trường nội địa vẫn là thị trường chiến lược và quan trọng nhất của Vinamilk hướng tới song song với việc mở rộng thị phần xuất khẩu trên toàn cầu.

Với những thay đổi nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ đều đã có sự sắp xếp lại danh mục hàng kinh doanh sao cho phù hợp hơn. Cụ thể, các nhà bán lẻ ngoài cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa, chiến lược giá để nâng cao lợi thế cạnh tranh, còn liên tục rà soát và thay đổi danh mục sản phẩm ưu đãi để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, với hệ thống hơn 1.000 điểm bán trải dài trên cả nước, Saigon Co.op không những tiên phong trong các hoạt động bình ổn thị trường, tạo sân chơi cho hàng Việt chất lượng mà còn không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm đưa vào kinh doanh.

Có thể thấy, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng thì thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc khai thác tốt thị trường, quay trở lại sân nhà đối với nhiều doanh nghiệp không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự năng động của các đơn vị trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.

“Doanh nghiệp xuất khẩu khi quay lại thị trường nội địa cũng vấp phải khó khăn và rào cản khi phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm hàng nhập khẩu đang có phần lấn át. Do vậy, nhà nước cần tạo thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Theo đó, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng, đồng thời ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vào các chương trình bình ổn giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình... Về phía doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ về thị trường, từ đó lựa chọn cho mình một phân khúc phù hợp để có được dòng sản phẩm thực sự chinh phục được thị trường”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục