Ngày 13-10 vừa qua đã trở thành dấu mốc quan trọng trong tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam (VN) sau khi phiên đàm phán đa phương cuối cùng chính thức khép lại và VN đã cơ bản hoàn tất các thủ tục gia nhập WTO.
Sẽ công bố các cam kết sau ngày 26-10
Trả lời báo chí ngay sau khi trở về từ Geneve (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định, VN đã cơ bản hoàn tất đàm phán ở tất cả các nội dung. Theo lịch trình, ngày 16-10, Ban công tác về việc VN gia nhập WTO sẽ chuyển toàn bộ cam kết của VN tới các thành viên để các nước có thời gian rà soát, trước khi vào phiên họp hoàn tất thủ tục sẽ tổ chức ngày 26-10. Đây là phiên họp để hoàn thiện các văn kiện gia nhập của VN, bao gồm báo cáo Ban công tác, cam kết về dịch vụ và cam kết về hàng hóa. Đến ngày 7-11, sẽ có một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng để kết nạp VN vào WTO. Về phía VN, sau khi ký vào văn kiện gia nhập sẽ trình lên Quốc hội xem xét thông qua. Chậm nhất là vào ngày 10 đến 14-11 phải hoàn tất báo cáo trình Quốc hội để được thông qua trước khi kết thúc kỳ họp.
Như vậy, sau 11 năm với 14 phiên đàm phán đa phương chính thức và hàng trăm cuộc đàm phán song phương với 28 đối tác có yêu cầu đàm phán, hành trình gia nhập WTO của VN đã gần đến đích. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng xác nhận, toàn bộ các nội dung cam kết gia nhập WTO sẽ được Bộ Thương mại công bố sau thời điểm ngày 26-10, ngay sau khi phiên đàm phán rà soát và hoàn tất các văn kiện gia nhập của VN kết thúc để tránh phải sửa đổi, bổ sung câu chữ trong các bản cam kết.
Cắt giảm 30% mức thuế nhập khẩu hiện hành
Một vấn đề khác, khi nhìn nhận lợi ích trực tiếp của việc gia nhập WTO, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã từng nhấn mạnh, cái mà chúng ta có thể “bỏ túi” ngay được, trong trường hợp của VN là bỏ quota dệt may. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng ban Dệt may (Bộ Thương mại) cho rằng, trong trường hợp WTO bỏ phiếu để VN gia nhập khi Mỹ chưa thông qua “Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn” thì riêng Mỹ sẽ chưa áp dụng các cam kết WTO đối với VN. Vì vậy, vấn đề bỏ hay không bỏ quota dệt may đến thời điểm này vẫn còn bỏ ngỏ. |
Tuy nội dung các cam kết đàm phán chưa được chính thức công bố nhưng theo ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (UBQG HTKTQT) cho biết: VN đã cam kết cắt giảm khoảng 30% mức thuế nhập khẩu hiện hành và sẽ thực hiện chủ yếu trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO. Những ngành có cắt giảm thuế nhiều nhất là dệt may: 63%; cá và sản phẩm cá: 38%; gỗ giấy: 33%; máy móc thiết bị điện, điện tử: 24%.
Đối với vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ, WTO chia ra 150 phân ngành nhưng VN cam kết tới 113 phân ngành, xét về diện là tương đối rộng. “Do đó, các ngành dịch vụ trong nước sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là các ngành: giao thông vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ phân phối” – ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương vừa qua, có hai yếu tố quan trọng đã tương đối thành công, đó là bảo vệ được những ngành và phân ngành được xem là nhạy cảm, gồm: quyền phân phối một số mặt hàng nhạy cảm (xăng dầu, dược phẩm, văn hóa phẩm), dịch vụ in ấn, bưu chính viễn thông…
Tuy nhiên, trong các cam kết gia nhập WTO, VN sẽ phải đối mặt với vấn đề chống trợ cấp. Quy định của WTO về trợ cấp chủ yếu tập trung vào việc phân biệt giữa các hình thức trợ cấp “được phép” và “không được phép”. Điều đáng lo ngại là kết quả nghiên cứu các chính sách trợ cấp nông nghiệp của VN trong thời gian qua cho thấy: hầu hết các chính sách hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp của VN đều chưa phù hợp với các quy định của WTO. Vì vậy, khi thời điểm gia nhập WTO đã cận kề, các cơ quan quản lý nhà nước đang phải gấp rút điều chỉnh lại cho phù hợp với các cam kết hội nhập.
ĐINH LAN
Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote: B.H. |