
Trong khi mối lo lắng về việc sắp tăng giá điện đang diễn ra thì người dân giờ đây lại sắp đối diện với tình huống xấu hơn: có thể không có điện... mà mua. Miền Bắc có thể phải cắt điện luân phiên trong mùa khô năm nay.
- Cắt điện luân phiên

Theo ông Đào Văn Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), trong 2 tháng qua, phụ tải điện của cả nước đạt 8,4 tỷ kWh, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2005. Riêng tháng 2, phụ tải tăng tới 19,3% so với tháng 2-2005. Năm 2006 được đánh giá là năm sản lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng rất “nóng”. Trong khi, một số điều kiện cơ bản về thời tiết, tiến độ thi công các công trình nguồn điện lại đang có nhiều bất lợi khiến nguy cơ thiếu điện trong mùa khô là rất cao.
Có lẽ vì thế mà hôm qua 2-3, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã triệu tập lãnh đạo EVN và mời đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng một số cơ quan liên quan đến họp bàn, nghe báo cáo tình hình và các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện trong những tháng cao điểm.
Tại cuộc họp này, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (Trung tâm A0) cho rằng, mặc dù tình hình cung ứng điện của năm 2006 đỡ căng thẳng hơn so với năm 2005 nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng thiếu điện lớn. Mức gia tăng phụ tải điện năng năm nay là trên 61 tỷ kWh, tăng khoảng 14% so với năm 2005. Song, cũng có một phương án đặt ra và hoàn toàn có thể xảy ra là mức tăng trưởng phụ tải có thể lên đến 15% và phụ tải miền Bắc tăng đến 30% giống như năm 2005.
Khi ấy, hệ thống điện miền Bắc có thể bị thiếu 300-400 MW vào một số giờ cao điểm. Cả năm 2006 có thể thiếu tới 180-200 triệu kWh. Sau khi cân nhắc các phương án chạy thủy điện, ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm A0 cho biết lượng điện thiếu cao nhất có thể đến 92 triệu kWh vào các tháng mùa khô. Khi tình huống này xảy ra, A0 sẽ thông báo lệnh cắt giảm điện trước 2 tuần và sẽ cắt 1-3 triệu kwh/ngày (tương ứng với 250-700 MW công suất phát điện trong vòng 2-4 giờ/ngày trên toàn quốc. Việc phân bổ cắt điện cụ thể tại nơi nào sẽ do EVN quyết định.
Không chỉ có vậy, dù phụ tải điện tăng theo phương án nào, thì theo ông Cường, hệ thống điện quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Bắc nói riêng sẽ luôn ở trong tình trạng báo động cao nhất. Nghĩa là chỉ lỡ xảy ra một sự cố về đường dây truyền tải, hay ở một số nguồn điện chính thì nguy cơ rã lưới hệ thống điện miền hoặc hệ thống điện quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra.
- Vẫn phải “lạy trời mưa xuống”!
Nguy cơ thiếu điện là thế nhưng hiện EVN vẫn đang phải đối diện với những khó khăn không đáng có. Ai cũng hiểu khi thủy điện gặp khó khăn, các nhà máy điện chạy than, khí, dầu... phải chạy hết công suất để bù vào lượng điện thiếu hụt. Thế nhưng “lượng khí cấp cho các nhà máy điện chạy khí không đủ.
Chúng tôi có nhiều lần làm việc với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhưng chưa tìm ra giải pháp”, Tổng Giám đốc EVN Đào Văn Hưng lo ngại. Thậm chí, năm 2006, khả năng cung cấp khí từ nguồn Cửu Long cho cụm Nhà máy điện lớn nhất nước là Phú Mỹ - Bà Rịa sẽ bị giảm xuống 72.000m3/h!
Để đối phó với nguy cơ thiếu điện, EVN đã và đang đưa ra hàng loạt biện pháp. EVN chỉ đạo từ tháng 1 đến tháng 5, các nguồn điện than, tua bin khí hỗn hợp, nhiệt điện dầu phải khai thác tối đa để giảm thiểu sử dụng thủy điện. Tháng 3 này có thể phải chạy dầu DO. Các nhà máy được chỉ đạo tập trung sửa chữa ngay từ đầu năm 2006; EVN ký hợp đồng mua điện cấp điện áp 110 kV của Trung Quốc để có thêm khoảng 600 triệu kWh.
Những nguồn điện có thể đưa vào khai thác trong năm 2006 cũng được ưu tiên đẩy nhanh triển khai, hoàn thành sớm so với tiến độ để “có thêm chút điện nào là tốt chút ấy”. Bên cạnh đó, tiết kiệm điện là biện pháp quý lúc này. Ông Đào Văn Hưng cho biết đơn vị đang đề nghị tổ chức cuộc vận động để tiết kiệm điện, giảm 10%-20% với từng loại phụ tải.
Nhưng, sôi động và căng thẳng nhất vẫn là những giải pháp đối với các nhà máy thủy điện. Ông Hưng khẳng định: phải giữ mực nước hồ Hòa Bình ở mức cao nhất có thể bằng cách hạn chế xả nước ở đây và tăng lượng điện chuyển từ miền Nam ra miền Bắc tiêu thụ.
Hiện tất cả các hồ chứa thủy điện đang được lệnh phải tích nước ở mức nước dâng bình thường như cuối năm 2005. Tất cả nhằm trong tháng 4 và tháng 5 tới, truyền tải điện trên đường dây 500 kV Bắc – Nam sẽ giảm để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và giảm thiểu nguy cơ thiếu điện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải thừa nhận: nhu cầu điện có thể tăng đột biến và khó dự đoán được. Do đó ngành điện vẫn phải chủ động đối phó với tình huống xấu nhất. Vì vậy, phải tìm kiếm các phương án cung ứng điện với khả năng cao nhất.
Thậm chí, ông Hoàng Trung Hải còn gợi ý “khoán chỉ tiêu tiêu thụ điện” ở một số khu vực khi xảy ra thiếu điện. Nếu sử dụng vượt mức giao khoán thì đơn vị đó phải tự đi tìm nguồn! Dẫu vậy, một chuyên gia ngành điện thừa nhận thời điểm xảy ra nguy cơ thiếu điện không còn xa. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải có một sự đột phá trong tiết kiệm điện hoặc là phải “lạy trời mưa xuống”!
NAM QUỐC