Hệ thống kênh phân phối: Bệ đỡ hàng Việt

Dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm nay của cả nước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là do sự góp sức của hệ thống kênh phân phối bán lẻ trên cả nước trong việc làm cầu nối tiêu thụ, cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Hàng Việt hiện chiếm trên 90% trong hệ thống Co.opmart (ảnh chụp tháng 6-2020)
Hàng Việt hiện chiếm trên 90% trong hệ thống Co.opmart (ảnh chụp tháng 6-2020)

Kênh phân phối góp sức vì hàng Việt

Theo kết quả tổng kết thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 của Bộ Công thương công bố giữa tháng 8-2020: Kể từ khi thực hiện tới nay, thông qua đề án đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020; 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.

Đáng chú ý, các kênh phân phối bán lẻ trên cả nước đã rất tích cực góp sức cùng đề án này khi thực hiện nhiều chương trình kết nối, hợp tác tiêu thụ, cung ứng hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, hàng Việt tại hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước hiện chiếm tỷ lệ rất cao, khi chiếm từ 90% - 95%.

Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op với mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra… đã bền bỉ thực hiện những chương trình hàng Việt suốt nhiều năm qua. Đại diện của nhà bán lẻ này cho biết, Saigon Co.op có chính sách ưu tiên mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các DN hàng Việt, giúp hàng loạt thương hiệu Việt tồn tại và phát triển. Đặc biệt, Saigon Co.op còn là nhà bán lẻ hiếm hoi, đều đặn tổ chức tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” quảng bá kích cầu, với quy mô hàng trăm tỷ đồng dành riêng cho hàng Việt xuyên suốt hơn 20 năm qua. Kết quả, sau khi kết thúc chương trình này, mức tăng trưởng của các nhà cung cấp đạt tối thiểu là 10% trong tháng thực hiện.

Cũng theo đại diện Saigon Co.op, ngoài các chương trình kể trên, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nhà sản xuất yên tâm đầu tư các mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường và người tiêu dùng. Ngoài bán hàng cho người tiêu dùng, tất cả siêu thị Co.opmart đều tích cực hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hợp tác với các nhà sản xuất trong nước uy tín, phát triển nhãn hàng riêng Co.opmart. Từ đó, giúp hàng hóa có giá cả cạnh tranh, được người tiêu dùng đón nhận…

Đối với kênh phân phối nước ngoài tại Việt Nam, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện ghi nhận tỷ lệ hàng hóa chiếm 60% - 96%. Tại Lotte, hàng Việt chiếm 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng; Big C 96% theo doanh thu; AEON 80% theo mã hàng; MegaMarket 95% theo mã hàng. Riêng với kênh bán lẻ truyền thống, trong những năm gần đây, nhờ DN đổi mới phương thức tiếp cận cũng như mẫu mã bao bì, giá cả mà tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi đã nâng ở mức 60% trở lên.

Thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi

Theo Bộ Công thương, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục. Cụ thể, theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019, có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Việc người tiêu dùng chọn lựa hàng Việt được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam chỉ ra là, do họ biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ DN Việt. Một điểm tích cực đáng ghi nhận, trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay, nhờ có các kênh phân phối mà hàng Việt đã chắc chân hơn, giúp nhiều DN vượt qua khủng hoảng, khi đầu ra tại thị trường quốc tế suy giảm.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, với sự chung tay vào cuộc của các hệ thống phân phối trong nước, đã giúp hàng hóa được lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.

Những tên tuổi bán lẻ tiên phong phải kể tới như Saigon Co.op, Vinmart+, Big C, Lotte Mart… Vào những đợt cao điểm chống dịch, các nhà bán lẻ này đã dự báo nhu cầu mua hàng của người dân có thể sẽ tăng khi dịch có diễn biến phức tạp, qua đó chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước, để bảo đảm cung cấp cho người dân. Đồng thời, các siêu thị cũng thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực siêu thị, cửa hàng… Bên cạnh đó, các DN cũng tăng cường việc giao hàng tại nhà, tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.

Tin cùng chuyên mục