
Hôm nay 20-10, tại TPHCM, Bộ NN-PTNT chủ trì hội nghị bàn về các biện pháp dập dịch lở mồm long móng và nóng bỏng hơn là triệt dịch rầy nâu trước vụ đông-xuân 2006-2007. “Diễn biến của dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá (VL-LXL) đang hết sức nghiêm trọng” –Viện phó Viện Lúa ĐBSCL Phạm Văn Dư cảnh báo.

Đến ngày 20-10, gần 60.000 ha lúa ở phía Nam, chủ yếu ở ĐBSCL nhiễm bệnh VL-LXL. “Dù các nhà khoa học đã cảnh báo và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, nhưng các địa phương đã không nghiêm túc thực hiện việc hạn chế làm lúa vụ 3 để cách ly mầm bệnh” và cũng theo Viện phó Viện Lúa ĐBSCL Phạm Văn Dư, “nếu rầy nâu “quét” bệnh VL-LXL vào đầu vụ xuân thì tình trạng khủng hoảng lúa giống sẽ xảy ra”.
Thời gian qua, hàng ngàn nông dân ĐBSCL rơi vào cảnh “dở khóc, dở mếu”: đem máy cày “xới” bỏ ruộng lúa đang khô vàng, héo rụi vì rầy nâu phá hại. Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Long An đưa ra chính sách hỗ trợ giống lúa, hỗ trợ tiền để… nông dân phá lúa! Thế nhưng, hiện nay nông dân có ruộng lúa nhiễm bệnh VL-LXL vẫn không tiêu hủy mà lại bán cho người nuôi vịt chạy đồng (!?).
Một thực trạng khác đáng quan ngại hơn: nông dân có lúa bị nhiễm rầy nâu thường không báo với cán bộ khuyến nông để tiêu hủy do phần hỗ trợ chưa cao. Trong khi đó, mạng lưới khuyến nông quá “mỏng”, khó phát hiện được ruộng lúa bị nhiễm rầy nây hay VL-LXL. Thời gian qua, một số tỉnh như An Giang đã triển khai các biện pháp khống chế không cho dân xuống giống lúa vụ 3 – để cầm mầm bệnh VL-LXL trước vụ đông-xuân. Tuy nhiên, nhiều địa phương nông dân cứ vô tư làm lúa vụ 3.
Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát rầy nâu: nông dân liên tiếp làm lúa, rầy nâu có điều kiện cư trú; sử dụng lúa thịt, lúa giống dễ nhiễm rầy; phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ; làm đê bao khép kín, không xả lũ.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Kết quả thí nghiệm trong nhà lưới về sức kháng rầy nâu và nương mạ đạo ôn của các giống lúa Jasmine, OM 1490, OM 2514, OM 2717, ST1… thì đối với rầy nâu có 60% là giống nhiễm nặng, đối với đạo ôn là 70% nhiễm nặng.
Theo phân tích của Viện lúa ĐBSCL, các giống lúa này đều không có tính kháng hoặc kháng rầy thấp. Trong khi đó, nông dân ưa trồng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao… vì bán được cao giá hơn lúa thường 300-500 đồng/kg. Việc bùng phát các giống lúa này trên diện rộng để cung ứng cho xuất khẩu, mà lại không có biện pháp phòng dịch hữu hiệu, đã dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền.
Nhiều nơi ở Kiên Giang, Đồng Tháp diện tích trồng các giống lúa thơm, đặc sản dễ nhiễm rầy nâu chiếm trên 70% diện tích sản xuất. Điều này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp!

GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Tình hình khẩn trương trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL là không sản xuất lúa vụ 3”. Nhưng hiện nay, ĐBSCl có gần 400.000 ha lúa vụ 3 – một mảnh đầu mầu mỡ để rầy nâu lây nhiễm bệnh VL-LXL trong vụ đông-xuân.
Trong chỉ thị số 30 về một số biện pháp cấp bách phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Phải bố trí lịch thời vụ gieo sạ có đủ thời gian cách ly để rầy nâu không sinh trưởng, lây lan sang vụ đông-xuân...
Nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm. Cụ thể, tại Hậu Giang đến ngày 20-10, hơn 3.000 ha lúa đông-xuân đã xuống giống, thử hỏi thời gian cách ly là bao lâu khi nông dân thu hoạch xong lúa vụ 3?
Dịch rầy nâu bùng phát là một lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến vựa lúa của cả nước. Nếu thiếu những biện pháp nhanh, mạnh và đồng bộ trong đầu tư, cơ cấu, tổ chức sản xuất lương thực (loại bỏ lúa vụ 3) và khuyến nông ở ĐBSCL, hậu quả sẽ khó lường.
“Nếu diện tích lúa đông-xuân bị nhiễm VL-LXL khoảng 10% sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực, chứ đừng nói đến chuyện còn gạo để xuất khẩu” – một nhà khoa học cảnh báo. Các địa phương cần quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ thị 30 của Thủ tướng: kiên quyết tiêu hủy ruộng lúa bị nhiễm VL-LXL, thực hiện tốt việc cách ly đất trống để dập mầm bệnh.
Điện khẩn của Thủ tướng |
CAO PHONG - SỬ VIỆT