Hiểm họa cháy nổ từ cơ sở phế liệu

Vụ nổ kho phế liệu tại làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) sáng 3-1 làm 2 người chết, 10 người bị thương, hàng chục căn nhà bị đổ sập, một lần nữa báo động về hiểm họa cháy nổ từ các điểm thu mua, kinh doanh phế liệu. Tại TPHCM, chính quyền và ngành chức năng cho biết đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, ở hầu hết cơ sở phế liệu, tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn diễn ra và đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào.
Cảnh sát PCCC TPHCM chữa cháy tại cơ sở phế liệu ở phường Long Trường, quận 9
Cảnh sát PCCC TPHCM chữa cháy tại cơ sở phế liệu ở phường Long Trường, quận 9
Những “kho bom” trong khu dân cư

Sáng 4-8-2017, cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Văn N. ở tổ 4E, khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM bất ngờ xảy ra vụ cháy ở phía sau kho chứa, nơi phế liệu được chất đống, cao hơn 2m. Do trong kho chứa nhiều máy móc cũ còn hơi xăng, bao bì nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh và Cảnh sát PCCC TPHCM phải điều động 11 xe chữa cháy cùng gần 80 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận 12 và một số đơn vị khác đến dập lửa. Rất may vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã thiêu rụi kho chứa phế liệu và dãy nhà trọ bên cạnh. Trước đó, ngày 21-2-2017, tại phường Trường Thạnh, quận 9 cũng xảy ra vụ cháy cơ sở phế liệu khác, thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà kho, nhiều người tham gia chữa cháy bị thương. 

Đó là 2 trong số hàng chục vụ cháy cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu xảy ra trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua. Sau mỗi vụ cháy như vậy, các sở ngành thành phố, UBND các quận huyện, đặc biệt là Cảnh sát PCCC lại tổ chức thống kê, rà soát tình hình hoạt động của các cơ sở phế liệu, kiểm tra, xử phạt các lỗi vi phạm về PCCC… Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.
Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua tại hàng chục cơ sở thu mua phế liệu ở các xã như Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phường 14 (quận 8), phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)… đều có vi phạm về PCCC.
Cụ thể, chiều 7-1, tại bãi thu mua phế liệu trên đường Cao Lỗ (giáp ranh xã Bình Hưng, Bình Chánh) với phường 4 (quận 8), các nhân viên của cơ sở thay nhau sử dụng máy hàn xì để phá bình hơi, bình xăng xe máy ngay trong kho chứa. Quá trình hàn xì, tia lửa điện liên tục văng vào phế liệu bao bì, cạc tông gây cháy và nhân viên phải nhiều lần dùng bình CO2 để dập lửa. Tuy nhiên, việc dùng mỏ hàn để tháo rời các máy móc vẫn cứ diễn ra có sự chứng kiến của chủ cơ sở nhưng không hề có lời nhắc nhở nhân viên. Dây điện bên trong cơ sở phế liệu này còn câu mắc tràn lan, nhân viên sử dụng bếp nấu bằng củi ngay trong vựa phế liệu. 

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, toàn thành phố hiện có gần 1.900 cơ sở thu mua, tái chế phế liệu, tập trung nhiều ở các quận huyện: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Nhà Bè. Trong số này, rất nhiều cơ sở hoạt động tự phát, không giấy phép; không tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn cháy nổ. Nhiều trường hợp có giấy phép nhưng hoạt động không đúng ngành nghề. Đáng lo ngại hơn, hầu hết các cơ sở phế liệu đều nằm trong khu dân cư và nếu xảy ra cháy nổ, tính mạng hàng ngàn hộ dân xung quanh sẽ rất khó lường.
Một cán bộ thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC TP) cho biết, trên thực tế, cứ đến kiểm tra các vựa phế liệu là phát hiện có vi phạm về PCCC. Vi phạm thường tập trung nhiều ở các lỗi như: hệ thống điện sinh hoạt không an toàn; tổ chức hàn, tháo rả các máy móc, vật liệu nổ không đúng quy định; tổ chức nấu nướng bên trong vựa; tàng trữ vật liệu nổ…
“Đây là các lỗi vi phạm nghiêm trọng, dễ xảy ra cháy nổ. Do đó, hiện các vựa phế liệu hoạt động trong khu dân cư chẳng khác nào những kho bom nổ chậm”, vị cán bộ kiểm tra bày tỏ lo ngại và kiến nghị thành phố cần quy hoạch khu tập trung ở xa khu dân cư để các cơ sở phế liệu hoạt động. Như thế vừa đảm bảo môi trường vừa an toàn cháy nổ.   

Thắt chặt cấp phép, kiểm soát hoạt động

Nguy hiểm về cháy nổ từ các cơ sở thu mua phế liệu là vậy nhưng hiện nay các quận huyện trên địa bàn thành phố vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội huyện Bình Chánh 6 tháng đầu năm 2017, đại diện Phòng TN-MT huyện này cho biết, trên địa bàn huyện có 487 cơ sở thu mua phế liệu và địa phương đã yêu cầu 361 cơ sở di dời trước tháng 6-2017; theo kế hoạch đến năm 2020, Bình Chánh sẽ di dời toàn bộ cơ sở phế liệu ra khỏi các khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở phế liệu di dời hoặc ngưng hoạt động tại huyện Bình Chánh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý giải điều này, đại diện Phòng TN-MT huyện cho biết, do quỹ đất cho thuê trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện không còn và giải pháp duy nhất hiện nay là địa phương vận động chủ cơ sở phế liệu chuyển đổi ngành nghề, nhưng việc này cần có thời gian, bởi đa số chủ cơ sở phế liệu đã gắn bó với nghề từ lâu.
Trong khi đó, các quận 7, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân,… cho biết chưa có chủ trương di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư, bởi đang ưu tiên di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhạy cảm hơn với môi trường! 

Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC TPHCM) kiến nghị, bên cạnh công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của Cảnh sát PCCC, chính quyền, ngành chức năng liên quan cần thắt chặt việc cấp phép cho cơ sở, doanh nghiệp hoạt động thu mua phế liệu. Phải đưa yếu tố an toàn cháy nổ làm điều kiện cấp phép, kiên quyết không cấp phép khi chủ doanh nghiệp, cơ sở không thực hiện đúng các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC.
Đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu được cấp phép, chính quyền, ngành chức năng ở cơ sở cần phát huy vai trò giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của cơ sở, kiểm soát tốt đầu vào để chủ cơ sở chấp hành đúng các quy định về an toàn cháy nổ, cũng như môi trường; tuyệt đối không tàng trữ, tái chế, tháo phá vật liệu nổ làm phế liệu. 

Thực tế trên cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu là rất lớn, trong lúc các cấp chính quyền thành phố từng bước thực hiện các giải pháp phòng ngừa cháy nổ hiệu quả hơn; thiết nghĩ, ngay lúc này chủ các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, tái chế phế liệu cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Vì nếu để sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra, thiệt hại không chỉ tài sản mà tính mạng của chủ cơ sở và người dân xung quanh cũng bị uy hiếp.

Tin cùng chuyên mục