Hiểm họa trên đường Hoàng Hữu Nam

Một bạn đọc ngụ tại đường Hoàng Hữu Nam (quận 9, TPHCM) gọi đến đường dây nóng của Báo SGGP, nói vẻ gay gắt: “Con đường Hoàng Hữu Nam chỉ dài 3,3km, nhưng đầu năm đến giờ đã có đến 7 người chết vì tai nạn giao thông, mong báo lên tiếng giùm bà con”.
Hiểm họa trên đường Hoàng Hữu Nam

Một bạn đọc ngụ tại đường Hoàng Hữu Nam (quận 9, TPHCM) gọi đến đường dây nóng của Báo SGGP, nói vẻ gay gắt: “Con đường Hoàng Hữu Nam chỉ dài 3,3km, nhưng đầu năm đến giờ đã có đến 7 người chết vì tai nạn giao thông, mong báo lên tiếng giùm bà con”.

Giật mình với cảnh… đắp chiếu

Thật vậy, UBND phường Long Thạnh Mỹ (nơi có tuyến đường này đi qua) cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, trên đường Hoàng Hữu Nam đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết, 2 người bị thương. Trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên con đường này, thương tâm nhất là vụ xe bồn cán chết em Lâm Võ Đông Nghi, 17 tuổi, học sinh lớp 11 D1 Trường THPT Nguyễn Huệ.

Chúng tôi đến nhà nạn nhân tại phường Long Bình, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 5km. Tiếp chúng tôi, chị Võ Thị Mỹ Vân, mẹ Nghi, kể: “Hôm ấy, ngày 11-9, khoảng 9 giờ, chồng tôi là anh Lâm Trí Dũng lấy xe máy chở cháu Nghi đi học thêm. Khi xe đến trước tiệm thuốc tây Duy Hoàng, số 227 Hoàng Hữu Nam, anh Dũng nghe xe bồn chạy phía sau bóp còi inh ỏi rồi ép xe anh vào sát lề. Anh Dũng tấp vào trong, thắng gấp nên té xuống. Khi anh ngồi dậy thì không tin vào mắt mình nữa: cháu Nghi nằm trên vũng máu do xe bồn cán ngang người. Gây tai nạn xong, tài xế xe bồn bỏ chạy đến khi bị người dân đuổi theo bắt được”. Chị Vân kể mà nước mắt lưng tròng.

Mặt đường hẹp, xe 2 bánh muốn lưu thông phải len lách bên hông xe bồn, xe tải

Ngồi uống cà phê đối diện Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang, bác Huỳnh Văn Nghi (cư dân ở gần đấy) cho biết: “Đoạn đường trước mặt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người. Ngày 24-1, khoảng 10 giờ, xe container biển số 51C-192.02 vừa đổ dốc qua khỏi trường hướng về ngã ba Mỹ Thành đã va chạm với xe gắn máy do một phụ nữ khoảng 50 tuổi cầm lái. Hậu quả, xe cán qua người phụ nữ xấu số, tử vong tại chỗ. Cách đây khoảng một tháng, cũng tại chỗ này lại thêm một vụ nữa, xe container lại cán chết một chị phụ nữ khoảng 40 tuổi đang trên đường đi rước con đi học về. Nghe nói, nhà chị ở ngã ba Thiên Thu”.

Gần đây nhất là vụ xe chở học sinh đã cán chết một người đàn ông trước nhà số 87 vào chiều 28-9. Chị phụ nữ bán ở tiệm tạp hóa 87 kể: “Tôi đang loay hoay bán hàng thì nghe ầm một cái. Biết là có tai nạn, tôi và người nhà chạy ra xem, định gọi xe cấp cứu nhưng khi ra thì thấy nạn nhân đã tử vong rồi, nên chạy vào lấy cái chiếu ra đắp. Đã có mấy vụ đắp chiếu trên đoạn đường này rồi, sợ quá!”.

Vì sao nhiều tai nạn giao thông?

Anh An Phát (nhà ở đường số 5, đang ngồi ở tiệm sửa xe số 143 Hoàng Hữu Nam) nghe chúng tôi hỏi về tình trạng tai nạn giao thông trên đường này, liền nói vẻ bức xúc: “Anh thấy đó, đường rộng chỉ khoảng 8m mà toàn xe tải, xe container và xe bê tông chạy suốt ngày, còn chỗ nào cho xe 2 bánh lưu thông, sao không xảy ra tai nạn được. Tuyến đường này có tới mấy trường tiểu học và mầm non, khi đón con về ai cũng ngán. Xe tải, xe container và xe bê tông lưu thông nhiều trên tuyến đường này vì dọc tuyến đường có hơn chục bãi xe container và 6 - 7 trạm trộn bê tông. Xe trọng tải lớn vẫn chạy ầm ầm, đường nát hết!”.

Anh thanh niên bán cà phê ở gần Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang cho hay: “Tôi đã thuê mặt bằng ở đây được 3 năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra, thấy… đắp chiếu ngán quá!”. Điều chúng tôi ghi nhận được trong các cuộc tiếp xúc với người dân sinh sống trên tuyến đường này là hầu hết đều cho rằng Nhà nước cần có biện pháp bảo vệ người dân, đường dân sinh không thể để cho xe tải, xe bồn lưu thông. Các chủ đất cho thuê bãi container, trạm trộn bê tông phải có trách nhiệm!

Được biết, bức xúc của người dân cũng là bức xúc của chính quyền địa phương. Anh Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ, cho biết: “Dân kêu dữ lắm và phường đã có nhiều văn bản kiến nghị cấp trên, cụ thể là UBND và Công an quận 9, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 về việc lắp đặt các biển báo cấm tải trong giờ cao điểm, nghiên cứu để cải tạo và mở rộng đường, kẻ vạch sơn cho người đi bộ, đặt gờ giảm tốc… Mới đây, UBND quận 9 đã có văn bản đề nghị Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 mở rộng mặt đường này. Nếu được, quận sẽ đề nghị các đơn vị có mặt bằng cho thuê làm kho bãi, trạm trộn trên tuyến đường hỗ trợ kinh phí thi công”.

Mở rộng đường là chuyện cấp bách nhưng không thể làm ngày một ngày hai. Trước mắt, người dân đề nghị Cảnh sát giao thông quận 9 xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình lưu thông xe trọng tải lớn trong giờ cấm. Theo một chủ kinh doanh xe container ở đây cho rằng “đặt biển báo cấm xe đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của giới chủ xe”, nhưng thử hỏi: Việc kinh doanh của giới chủ xe với sinh mạng người dân, cái nào quan trọng hơn?.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục