Kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

Hiện vật nhỏ của một nhân cách lớn

Bức thư nhỏ, nhân cách lớn
Hiện vật nhỏ của một nhân cách lớn

Hàng ngàn tư liệu, hiện vật, kỷ vật vô giá liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm và thu nhận từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi tư liệu, hiện vật trong số đó ẩn chứa những câu chuyện cảm động về Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Bản sao bức thư chữ Hán của Bác Hồ. Ảnh: V.XUÂN

Bản sao bức thư chữ Hán của Bác Hồ. Ảnh: V.XUÂN

Bức thư nhỏ, nhân cách lớn

Ngày 10-2-1960 được coi là một trong những dấu mốc cực kỳ có ý nghĩa đối với sinh viên lớp 1 năm thứ 4 hệ Kế hoạch Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, và đó cũng là một kỷ niệm quý của trường. Hôm đó, họ đã vinh dự nhận được thư do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng chữ Hán gửi tới.

Kể về lai lịch của bức thư này, đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhớ lại: “Cuối năm 1959, khi sắp đến dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, sinh viên Trung Quốc và Việt Nam trong lớp 1 năm thứ 4 hệ Kế hoạch Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc bàn nhau tổ chức một cuộc chạy mang tên “Bắc Kinh - Hà Nội” với tổng độ dài gần 3.000km. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên trong trường. Hôm kết thúc chương trình chạy việt dã đầy ý nghĩa đó, cả lớp đã cùng nhau thảo một lá thư gửi Bác. Thư được viết bằng chữ Hán, trên giấy hồng điều to dài chừng hơn một mét, theo kiểu báo chữ to, rồi được gấp lại đựng trong một phong bì lớn.

Bức thư đó đã được đem đến Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh gửi chuyển về cho Bác. Khoảng hơn một tháng sau, một hôm trên lớp trở về, chúng tôi thấy một lá thư của lớp được gửi đến theo đường bưu điện. Ngoài bì thư đề: “Gửi các sinh viên lớp 1 năm thứ 4 hệ Kế hoạch Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh”.

Bức thư không thấy đề tên người gửi, một bức thư bình thường như bao lá thư khác, nhưng khi mở ra xem, chúng tôi đều reo lên vì đó là thư của Bác Hồ. Bức thư bằng chữ Hán do Bác tự tay viết bằng bút máy trên một tờ giấy nhỏ, chữ viết rõ ràng, nét chữ rắn rỏi. Thư viết “Các cháu học sinh thân mến, cám ơn thư chúc mừng ngày 1-6 của các cháu. Chúc các cháu mạnh khỏe, học tập tiến bộ. Bác Hồ Chí Minh. 10-2-60”.

Đọc lá thư nhỏ của Bác, tất thẩy chúng tôi đều cảm động về sự chu đáo, thân tình của Người. Đọc lá thư nhỏ của Bác, chúng tôi hiểu được rõ thêm một nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Diễn nói.

Bức thư này đã được truyền tay nhau và nhiều sinh viên trong trường đã chụp và giữ lại làm kỷ niệm. Đầu năm 2009, đồng chí Phan Diễn, nguyên là sinh viên lớp 1 năm thứ 4 hệ Kế hoạch Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bản sao chụp bức thư chữ Hán này của Bác.

Hành trình của bức tranh thêu chân dung Bác Hồ

Đầu tháng 3-2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được đón tiếp hai vị khách quốc tế đặc biệt đến từ nước Đức, ông bà Roger Michelson. Sau khi đã tham quan nhiều giờ trong bảo tàng, hai vị khách đã đề nghị người hướng dẫn viên tiếng Việt là anh Nguyễn Quốc Thái đưa đến gặp phòng thuyết minh để được trình bày một nguyện vọng mà họ đã ấp ủ từ 10 năm nay, đó là được trao lại một kỷ vật liên quan tới Bác Hồ mà hai ông bà đã tình cờ có được.

Tại bảo tàng nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vật phẩm vô cùng quý giá mà ông bà Roger Michelson trao tặng lại. Đó là bức tranh thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có kích thước không lớn, 48,5 x 64,5cm, do nghệ nhân Song Hỷ thực hiện năm 1977.

Về lai lịch bức tranh thêu đặc biệt này, ông Roger Michelson cho biết đây là quà tặng của đoàn đại biểu Bộ đội Biên phòng nước CHXHCN Việt Nam đến thăm và tặng bộ đội biên phòng CHDC Đức (nay là CHLB Đức) năm 1977. Khi đó, ông Roger Michelson mới là một cậu lính trẻ, song may mắn đã khiến ông cũng có mặt trong buổi lễ trao tặng ấm cúng và thân tình ấy. Tới năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, đơn vị của ông cũng đã xảy ra nhiều xáo trộn và một lần nữa bức tranh thêu và Roger Michelson lại có cơ duyên với nhau.

Bức tranh thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông lưu giữ cẩn thận tại gia đình và kể từ ngày đó, ông đã ấp ủ mong muốn được đưa tác phẩm nhiều ý nghĩa đó trở về Việt Nam. Chính bức tranh thêu ấy đã thôi thúc và dẫn đường cho ông bà Roger Michelson đến với Việt Nam.

Sau 32 năm trên đất bạn, bức tranh thêu đã nhuốm màu thời gian, màu chỉ thắm lại, lớp vải nền phía sau đã mòn chỉ còn một lớp mỏng nhưng người xem vẫn cảm nhận được ở trong đó sự ấm áp, gần gũi trong ánh mắt, nụ cười của vị Cha già dân tộc. Bức tranh thêu chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ nhân Song Hỷ được coi là một trong những hiện vật đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận một cách tình cờ và hiếm có. Bức tranh thêu đã được gìn giữ với sự cẩn trọng, thành kính, vượt qua thời gian, khoảng cách và đã trở về với Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục