Hoàn thiện “hệ sinh thái” thuế, trợ lực cho nền kinh tế

Trước những khó khăn gay gắt của doanh nghiệp và nền kinh tế, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra rất sốt ruột khi chưa thấy Chính phủ đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), mà mới trình kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số hàng hóa, dịch vụ bằng một nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc ban hành nghị quyết về thuế VAT cũng rất cần thiết, nhưng đây vẫn chỉ là xử lý tình huống đơn thuần. Về tổng thể, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Thuế TNDN nói riêng và nhiều luật về thuế nói chung cần được sửa đổi một cách đồng bộ, không chỉ để góp phần “trợ lực” cho nền kinh tế đang rất khó khăn, mà còn để thích ứng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với thời hạn thực hiện đã rất gần (ngày 1-1-2024).

Đây là vấn đề cấp bách, nếu không làm thì đồng nghĩa là từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ bị tác động rất nặng nề.

Do đến thời điểm giữa tháng 4-2023 vẫn chưa thấy được đề xuất trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, Chủ tịch Quốc hội gợi ý Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát huy sáng kiến lập pháp, chủ động đưa ra đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNDN.

Phúc đáp yêu cầu từ Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra giải pháp trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 cho đến khi Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được ban hành và thay thế cho nghị quyết này.

Nhưng, không chỉ có thuế TNDN. Để tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức to lớn đang đặt ra cho nền kinh tế, “hệ sinh thái” thuế cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện, đồng bộ; trước mắt là: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TNDN, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã chỉ đạo xúc tiến việc sửa các luật thuế, nhưng trong đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được chính thức trình Quốc hội ngày 23-5 vẫn chưa thấy các dự án luật này.

Tin cùng chuyên mục