
“Thử hình dung một ngày toàn thành phố bị cúp nước thì tình hình sẽ ra sao? Khi đó, chắc chắn rất phức tạp. Do vậy, sản phẩm của Tổng Công ty Cấp nước TPHCM bán ra thị trường không chỉ là hàng hóa đơn thuần phục vụ đời sống người dân mà còn mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội của cả thành phố” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh tại buổi làm việc với Đảng ủy Tổng Công ty Cấp nước khi góp ý dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010.
Dự kiến cuối năm 2005, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM phấn đấu đạt công suất cung cấp nước sạch 1.243.000m3/ngày (tức là từ 130-140 lít nước/người/ngày), bảo đảm chỉ tiêu 85% hộ dân TPHCM có nước sạch. Khả năng này có thể đạt được vào cuối năm, qua đó khẳng định sự cố gắng của Đảng bộ Tổng Công ty trong thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước sạch - 1 trong 12 chương trình, công trình trọng điểm được Đảng bộ TPHCM đề ra trong nhiệm kỳ 2001-2005.
Với mục tiêu tập trung xây dựng TPHCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á thì nhiệm vụ của Đảng bộ Tổng công ty bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát nước và bảo đảm chất lượng nước khá nặng nề trong năm 5 tới.
Vẫn tồn tại nếp nghĩ bao cấp, độc quyền

Lắp đặt đồng hồ nước cho hộ dân ở quận Tân Phú.
Ông Võ Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước mang nặng ưu tư về nguồn vốn để mở rộng, cải tạo mạng lưới cung cấp nước sạch cho 95% người dân khu vực nội thành cũ, 80% ở nội thành mới và 60% ngoại thành vào năm 2010. Ông nói: Công tác xã hội hóa cấp nước chỉ mới thu hút các nhà đầu tư phát triển nguồn nước, nhưng phát triển mạng thì hầu như không ai quan tâm.
Để đáp ứng đủ vốn cho phát triển mạng cấp 3 (dẫn đến từng hộ gia đình) thì đơn vị còn thiếu 166,521 tỷ đồng. Còn phần vốn cân đối đầu tư cho dự án mạng cấp 1 và 2 - theo ông Dũng, “đau đầu” nhất hiện nay là làm sao kiếm ra 1.923 tỷ đồng. Do đó, ông đề nghị 3 phương án.
Phương án 1: ngân sách TP hỗ trợ và công ty sẽ “hoàn trả từ trích khấu hao hàng năm sau khi đã trả xong vốn và lãi vay cho các đơn vị tín dụng”.
Phương án 2: nếu giá nước tính đúng tính đủ đến lãi suất vay ưu đãi thì TP bù phần lãi suất chênh lệch nếu phải vay Quỹ Đầu tư phát triển hoặc phát hành trái phiếu.
Phương án 3: nếu giá nước không tính đúng, tính đủ thì TP hỗ trợ 100% lãi suất. Ông rất e ngại, nếu tính đúng, tính đủ giá nước (vào khoảng 3.500-8.000 đồng/m3 tùy theo từng đối tượng) thì “dân chịu không nổi!”. Đó là chưa kể cần phải có vốn đầu tư để giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 32% hiện nay xuống còn 26% vào năm 2010…
Cứ nghe lãnh đạo Tổng Công ty than khó và đọc toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thì xem ra, cả 3 phương án đề xuất trên có vẻ hợp lý và việc đẩy cho TP… làm giúp bài toán về vốn cho công ty tưởng như là điều hiển nhiên, dễ chấp nhận. Nhưng suy cho cùng, cả 3 phương án trên đều trong một nếp nghĩ bao cấp, độc quyền.
Tìm khách hàng để tìm vốn
Cảm nhận đầu tiên của Giám đốc Sở Giao thông Công chính Hà Văn Dũng khi đọc dự thảo văn kiện của Tổng Công ty là “vẫn còn nặng nề tư tưởng bao cấp và chưa thấy rõ mô hình đâu là “mẹ”, đâu là “con”. Dường như Đảng ủy Tổng Công ty vẫn nghĩ mình thuộc doanh nghiệp công ích như khi chưa sáp nhập!”.
Chung nhận định này, đại diện Sở Tài chính TP góp thêm giải pháp nguồn vốn. Khi Tổng Công ty cấp nước chuyển sang hoạt động theo mô hình “mẹ-con” thì theo quy định của Chính phủ, công ty không được xếp loại doanh nghiệp công ích và như thế cũng không được hưởng chính sách vay vốn kích cầu. Vậy tìm nguồn vốn ở đâu ?
Hiện nay, Tổng Công ty có 2 trong 10 đơn vị thành viên đã cổ phần hóa, giải pháp tối ưu là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 8 đơn vị để khai thác hiệu quả nguồn vốn. Thêm vào đó, mục đích cuối cùng của cổ phần hóa không chỉ có nguồn vốn chủ động sản xuất kinh doanh và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả mà còn phát huy vai trò làm chủ thật sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua nhận định: “Tâm lý độc quyền, kiểu làm ăn “xin-cho” vẫn còn nặng nề trong đội ngũ CBCNV của Tổng Công ty”. Còn nhớ trước đây, mỗi lần người dân muốn được gắn đồng hồ nước là cả quá trình gian nan về thủ tục, xin xỏ, thậm chí phải dùng “tiền bồi dưỡng”.
Còn giờ đây, khi Tổng Công ty “có khả năng không tiêu thụ hết công suất 720.000m3/ngày cho cả giai đoạn 2006-2010” và bản thân mỗi giám đốc chi nhánh cấp nước không trăn trở tìm khách hàng để tiêu thụ nước sạch thì không thể chủ động tìm ra nguồn vốn đầu tư vào mạng cấp nước đến từng gia đình. “Cần phải biết cách chào hàng, học cách nở nụ cười cùng lời cám ơn khách hàng. Muốn vậy, công tác quần chúng cần được đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị” - ông Đua góp ý.
TUẤN SƠN
Học cách làm của bà bán cam! |