Thời điểm này là lúc tân sinh viên trúng tuyển làm thủ tục đăng ký nhập học. Cùng với việc trăn trở về bài toán học phí trong suốt 4 quá trình học, các em còn gánh thêm nhiều khoản phụ phí khác theo quy định của mỗi trường. Tuy nhiên, mức học phí từ vài chục triệu đồng ở nhiều trường không chỉ ổn định mà sẽ thay đổi theo hướng tăng dần 5% - 10% sau mỗi năm học.
Học phí trăm triệu đồng/năm
Trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, các trường đều công bố mức học phí tính theo từng tháng, từng học kỳ hoặc cả năm. Tuy nhiên, khi các tân sinh viên trúng tuyển, nhiều trường lại tính học phí theo số tín chỉ đăng ký chứ không tính theo đúng như thông tin công khai của các trường. Trong đó có trường tính học phí cả trăm triệu đồng.
Nhiều sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cảm thấy sốc với mức học phí ngất ngưởng: chương trình dạy bằng tiếng Việt khoảng 4.172.000 - 4.797.000 đồng/tháng; chương trình dạy bằng tiếng Anh khoảng 10.847.000 - 11.890.000 đồng/tháng. Như vậy, tính theo năm học, học phí trường này thấp nhất là 41.720.000 đồng và cao nhất là 118.900.000 đồng/năm.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM có mức học phí trung bình năm học 2013 - 2014 là 7,4 triệu đồng/tháng (khoảng 74 triệu đồng/năm). Trường ĐH Tân Tạo (Long An) có mức học phí là 62.820.000 đồng/năm. Trường ĐH Hoa Sen có mức học phí chương trình tiếng Việt từ 3.500.000 - 3.800.000 đồng/tháng, chương trình tiếng Anh 4.100.000 - 4.900.000 đồng/tháng. Trường ĐH FPT học phí trọn gói (đã bao gồm chi phí giáo trình, học tập) là 23 triệu đồng/học kỳ (46 triệu đồng/năm).
Nằm trong nhóm trường có mức học phí dao động 20 - 30 triệu đồng/năm cũng có nhiều trường. Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) có mức học phí chia theo ngành: Quản trị kinh doanh 2.720.000 đồng/tháng, các ngành kỹ thuật 1.819.000 đồng/tháng, điều dưỡng 1.364.000 đồng/tháng. Trường ĐH Võ Trường Toản mức học phí thấp nhất là 3,25 triệu đồng/học kỳ và cao nhất là 18,5 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, học phí trung bình cả năm của trường này dao động 6,5 - 37 triệu đồng/năm…
Ở nhóm trường công lập tự chủ tài chính như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM… mức học phí cao hơn nhiều so với các trường công lập thu học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ, nhưng thông tin cụ thể về học phí lại không được công khai trong cuốn Những điều cần biết để thí sinh nắm rõ.
Gánh nặng khoản phụ phí
Ngoài những khoản thu “cứng” như trên, nhiều trường ngoài công lập lẫn các trường công lập còn quy định thu thêm các khoản phụ phí khác như như tiền đồng phục, đồng phục thể dục, tiền thang máy, tiền vệ sinh phí, lệ phí khám sức khỏe…
Về mức phí học tiếng Anh, mỗi trường có mức thu khác nhau. Cao nhất là mức học phí tiếng Anh của Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam với 37.220.000 đồng/cấp độ (4 cấp độ, mỗi cấp độ 10 tuần). Với các trường ngoài công lập, học phí tiếng Anh của Trường ĐH FPT là 9 triệu đồng/cấp độ, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM 8.780.000 đồng/cấp độ...
Trường ĐH Mở TPHCM ngoài mức học phí 5,6 triệu đồng/học kỳ 1, tân sinh viên còn phải đóng tiền bảo hiểm y tế 290.000 đồng/12 tháng, bảo hiểm tai nạn 120.000 đồng/4 năm, lệ phí khám sức khỏe 40.000 đồng, đồng phục thể dục 110.000 đồng. Trong khi đó, ở Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ngoài khoản học phí, tân sinh viên phải đóng lệ phí nhập học 500.000 đồng, bảo hiểm y tế 290.000 đồng, giáo dục thể chất 300.000 đồng/tín chỉ. Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học cũng bắt buộc sinh viên đóng lệ phí nhập học 300.000 đồng. Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn thu 550.000 đồng, riêng sinh viên nữ đóng thêm 290.000 đồng cho 1 bộ đồng phục áo dài.
Dẫu biết rằng học phí các trường ngoài công lập được xây dựng theo cân đối thu chi cho toàn bộ hoạt động của nhà trường. Song vấn đề ở đây là các trường cần công khai cụ thể các khoản thu, công khai lộ trình tăng học phí theo từng năm hoặc ổn định trong suốt khóa học thì người học không bỡ ngỡ, không kiện cáo việc tăng học phí chóng mặt. Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở đào tạo cũng cần suy xét mức tăng có phù hợp với chất lượng đào tạo mà người học thụ hưởng hay cứ tăng theo kiểu “tát nước theo mưa” trong khi tất cả các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… vẫn như cũ, người học phải đi học thuê, học nhờ ở những nơi lớp không ra lớp, trường không ra trường.
THANH MINH