Chiến cuộc mùa xuân 1975

Hội tụ những sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Hội tụ những sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những chiến thắng Như Nguyệt, Bạch Đằng, Hàm Tử, Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa,... đã vẽ lên bức tranh hoành tráng sinh động và rực rỡ về tài thao lược của ông cha ta trong nghệ thuật tạo nên sức mạnh để đánh địch bằng chiến tranh nhân dân.

Phát huy truyền thống đó, trong thời đại Hồ Chí Minh ta đã có chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu và đến chiến cuộc mùa xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, là biểu hiện đặc sắc nhất tài năng sáng tạo của Đảng ta và nhân dân ta, trong nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh để giành thắng lợi trong chiến tranh.

Với 6 ngày đêm cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, chúng ta đã tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ của cả một dân tộc, đấu mưu đấu trí một cách quyết liệt nhất để đi đến thắng lợi trọn vẹn.

Hội tụ những sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam ảnh 1

Tại hội nghị giao ban 10/3/1975: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Cao Văn Khánh đang thông qua “Bản tin chiến thắng Buôn Ma Thuột”.

Đó là mưu kế lập ra “Hình trận” và “Thế trận” và tạo ra “Thời cơ” làm cho địch nhiều mà hóa ít. Mở đầu chiến cuộc mùa xuân 1975, mưu kế chiến lược của ta đã tạo ra một hình trận chiến lược rất đẹp là ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến ở Sài Gòn và Huế – Đã Nẵng, bằng cách áp sát các quân đoàn chủ lực của ta (Quân đoàn 1 ở bờ Bắc sông Bến Hải, Quân đoàn 2 ở Tây Huế và Quân đoàn 4 ở Đông Bắc Sài Gòn) vào gần các khu vực trọng yếu đó, buộc địch phải tập trung cả hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược vào giữ Sài Gòn và Huế – Đã Nẵng, để sơ hở ở quãng giữa là Tây Nguyên. Hình trận này đã tạo ra thế trận có lợi cho Tây Nguyên. Đặt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 ở phía Bắc chiến tuyến, và Quân đoàn 4 ở phía Nam chiến tuyến là cách nghi binh chiến lược cho Tây Nguyên. Khi địch đã bị giữ chặt ở Huế và Sài Gòn thì ta mở cuộc tiến công lớn ở Tây Nguyên là nơi địch sơ hở và công phá vào Buôn Ma Thuột lại là nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch.

Mưu kế chiến lược tiếp theo là đưa bí mật đột ngột 2 sư đoàn nữa lên Tây Nguyên là mưu kế hay của ta, của Bộ Thống soái mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, người đã có kinh nghiệm tác chiến lớn, người có trình độ chỉ huy các chiến dịch lớn, người có tri thức chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành.

Hai sư đoàn bất ngờ tăng thêm cho Tây Nguyên đó là cái nút trong mưu kế chiến lược. Do bất ngờ đột ngột tăng cho Tây Nguyên hai sư đoàn nữa mà địch không biết, không kịp đối phó. Và nhất là khi xe tăng của Sư đoàn 316 cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột thì mọi chuyện đối với địch là đã quá muộn.

Hai sư đoàn đó là Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968. Hai sư đoàn và thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế chiến lược đánh bại địch trong Chiến cuộc mùa xuân năm 1975. Địa điểm và thời cơ sử dụng 2 sư đoàn này là “chữ thời” về tài năng và trí tuệ trong nghệ thuật chỉ huy.

Hình trận chiến dịch ở Tây Nguyên còn được thể hiện trong việc sử dụng “chính – kỳ” ở giai đoạn đầu được xác định như sau: Sư đoàn 968 được sử dụng có tính chất như một mũi chính binh, nhưng thực chất lại là đánh nghi binh để kẻ địch tưởng rằng ta sẽ tiến công Plâycu.

Còn Sư đoàn 316, các Trung đoàn 24,95B và các binh chủng, là chính binh đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột nhưng được sử dụng một cách bí mật mà kẻ địch bị bất ngờ có tính chất như một tập đoàn kỳ binh. Nhưng sau đó khi thế trận đã bắt đầu chuyển hóa thì “chính”, “kỳ” cũng biến hóa theo một cách linh hoạt.

Dùng lực lượng tương đối lớn (Sư đoàn 968) đánh nghi binh lừa địch ở phía Bắc trước hết nhằm vào Plâycu làm cho địch tin rằng ta sẽ mở chiến dịch ở Bắc Tây Nguyên. Trong khi đó các đơn vị chủ lực bí mật di chuyển xuống Nam Tây Nguyên (Sư đoàn 10 tiến về Đức Lập, Sư đoàn 320 đứng chân ở Tây Cẩm Ga).

Sư đoàn 316 tiến vào Buôn Ma Thuột, tiếp đến Sư đoàn 3 Sao Vàng QK5 và Trung đoàn 95A đánh cắt đường 19, Sư đoàn 320 đánh cắt đường 14, Trung đoàn 25 cắt đường 21, nhằm chia cắt địch về chiến lược và chiến dịch tạo ra thế trận chia cắt, làm cho các cụm quân địch bị cô lập, tách rời nhau, không chi viện được cho nhau, tạo thế cho Nam Tây Nguyên, tập trung đòn đánh vào Buôn Ma Thuột được thuận lợi; nhờ đó các mũi đánh chính kết hợp với mũi thọc sâu, vu hồi đã đánh bại địch một cách nhanh chóng chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận then chốt thứ nhất. Hình trận bao giờ cũng cần có lực lượng dự bị, đội dự bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột ta đã chủ động đưa ngay Sư đoàn 10 về làm đội dự bị để sẵn sàng đánh địch phản kích. Ta đã linh hoạt sử dụng Sư đoàn 10, đánh Đức Lập xong, chuyển về Buôn Ma Thuột vừa bố trí đón lõng đánh địch ở nơi ta phán đoán chúng sẽ đổ quân, vừa tiến công trong hành tiến nên đã đánh bại phản đột kích của Sư đoàn 23 ngụy hòng ứng cứu chiếm lại Buôn Ma Thuột, làm nên chiến thắng trong trận then chốt thứ hai.

Hai trận then chốt này đã tạo thành trận then chốt quyết định là giải phóng Buôn Ma Thuột một cách chắc chắn, địch không còn khả năng chiếm lại. Sau khi mất Buôn Ma Thuột và Sư đoàn 23 phản kích bị đánh bại, tất cả các thủ đoạn tác chiến, các hình thức chiến thuật của địch bị đánh bại ở Tây Nguyên, gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, làm hoảng loạn về tư tưởng và thế bố trí chiến lược của địch; buộc địch phải rút lui để co cụm phòng ngự.

Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu liền ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên. Plâycu và Kon Tum không đánh mà thắng. Phản ứng dây chuyền đó tạo ra đột biến về chiến dịch;
chiến dịch thắng lợi rất lớn, rất nhanh, tạo ra đột biến về chiến tranh.

Chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên là khởi điểm dẫn đến sự tan rã và suy sụp về chiến lược của địch, tạo đà cho quân và dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang chiến dịch gối đầu Huế – Đà Nẵng và cuộc quyết chiến chiến lược là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thế trận chiến lược phát triển đã tạo ra thời cơ chiến lược. Trong khi chiến dịch Tây Nguyên đang trên đà thắng lớn, chiến dịch Huế – Đã Nẵng lập tức được gối đầu, đến khi chiến dịch Tây Nguyên vừa kết thúc thắng lợi và chiến dịch Huế – Đà Nẵng mới hoàn thành bước một (giải phóng Thừa Thiên – Huế) thì cấp chiến lược đã quyết định vừa kiên quyết tiêu diệt Quân đoàn 1 địch (chủ yếu là Đà Nẵng).

Đến khi chiến dịch Huế – Đà Nẵng vừa kết thúc ta đã dồn được toàn lực vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là thời cơ chiến lược. Trên đà chiến thắng, các binh đoàn chủ lực của ta hành tiến với khí thế “Thần tốc, bất ngờ, chắc thắng”.

Sau khi đập tan tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang, cùng với việc giải phóng Bình Thuận, Ninh Thuận, quần đảo Trường Sa, địch bị tan vỡ từng mảng trong từng ngày một cách nhanh chóng và đột ngột. Chỉ huy địch rối loạn, chiến lược của chúng chuyển sang bị động đối phó và rút lui.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ngày càng quyết liệt. Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 17 giờ ngày 26-4-1975, năm cánh quân của ta gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 trong thế bao vây Sài Gòn, từ vị trí xuất phát tiến công được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Với sức mạnh của 15 sư đoàn và mũi thọc sâu của lữ đoàn xe tăng, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 quân ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Bộ thống soái ngụy Sài Gòn, giành toàn thắng.

Chiến cuộc mùa xuân năm 1975, điểm hội tụ những sáng tạo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn về sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta; về sức mạnh của chiến tranh nhân dân; về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; về trường phái sử dụng nghệ thuật truyền thống của dân tộc để chống lại mọi cuộc chiến tranh xâm lược là “Dĩ đoản chế trường”; “Thế thắng lực”; “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” vận dụng thế – thời một cách tài tình, sáng tạo.

Những chiến thắng vẻ vang đó mãi mãi sẽ là những bài học rất quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ ngày nay và mai sau.

Thượng tướng - GS. Hoàng Minh Thảo

Tin cùng chuyên mục