Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết:

Hợp tác với các tỉnh là nhu cầu tất yếu

Hợp tác với các tỉnh là nhu cầu tất yếu

Như tin đã đưa, trong 3 ngày (từ ngày 6 đến 8-6), đoàn đại biểu TPHCM (gồm 28 đại diện tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân và lãnh đạo sở, ngành TPHCM) do đồng chí NGUYỄN MINH TRIẾT, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa để bàn việc hợp tác kinh tế. Kết thúc chuyến công tác này, đồng chí NGUYỄN MINH TRIẾT đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo SGGP và báo chí TPHCM.

- PV: Thưa đồng chí, thời gian gần đây, TPHCM ký kết nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác kinh tế-xã hội với một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Xin đồng chí cho biết kết quả của việc hợp tác nói trên?

- Đồng chí NGUYỄN MINH TRIẾT: Hiện nay, TPHCM hợp tác kinh tế-xã hội với trên 20 tỉnh, thành phố và việc hợp tác này là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi địa phương. Khi quy hoạch các ngành sản xuất công nghiệp, TPHCM đã giữ lại những ngành công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển, ngược lại, có những ngành công nghiệp, TP cần phải chuyển giao cho các tỉnh khác có nhu cầu.

Hợp tác với các tỉnh là nhu cầu tất yếu ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Minh Triết.

Ở TPHCM, do quỹ đất hạn hẹp, nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi mở rộng quy mô nhà xưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Họ biết rằng, nếu tiếp tục ở lại thì họ phải chịu giá đất rất cao cùng các chi phí dịch vụ khác và như thế, làm tăng giá thành sản phẩm.

Trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một nhanh thì nhu cầu đổi mới thiết bị công nghệ để trụ vững trên thị trường của các doanh nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, ở các tỉnh, giá đất, nhân công và chi phí sản xuất kinh doanh rẻ hơn nhiều so với TPHCM.

Bản thân các tỉnh lại có nhu cầu tiếp nhận các doanh nghiệp TPHCM ra đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng đô thị, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân địa phương. Như vậy, TPHCM, các tỉnh và các doanh nghiệp cùng có nhu cầu và cùng được hưởng lợi từ việc hợp tác này.

- Qua chuyến đi làm việc và ký kết các bản thỏa thuận hợp tác với 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, đồng chí có thể đánh giá sơ bộ sự hợp tác này trong thời gian qua?

- Hiệu quả là rất rõ ràng! Tôi xin nêu vài con số, ở Bình Thuận, trong mấy năm vừa rồi đã có 417 doanh nghiệp của TPHCM bỏ vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng để thực hiện 376 dự án về công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch. Ngay như tỉnh Ninh Thuận, mặc dù TPHCM và tỉnh Ninh Thuận chưa có chương trình hợp tác chính thức giữa lãnh đạo 2 địa phương, nhưng các doanh nghiệp TPHCM đã có 25 dự án với tổng số vốn trên 1.397 tỷ đồng đầu tư tại Ninh Thuận.

Hiện nay, các ngành, các cấp của tỉnh này đang khẩn trương giải quyết nhanh thủ tục, hỗ trợ chính sách cho 15 dự án khác có số vốn 1.016 tỷ đồng và có thể triển khai sớm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp ở TPHCM rất nhanh nhạy trong sản xuất kinh doanh và có nhu cầu rất lớn mở rộng quy mô đầu tư ra khỏi phạm vi TPHCM.

Hợp tác với các tỉnh là nhu cầu tất yếu ảnh 2

Lễ ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Khánh Hòa.

- Nhưng thưa đồng chí, vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn TPHCM có xu hướng chậm lại. Phải chăng, việc di dời một số doanh nghiệp TPHCM ra các tỉnh cùng với một bộ phận vốn đầu tư đổ về các tỉnh cũng là một trong những nguyên dẫn tới tình trạng trên?

- Đúng như vậy! Mấy năm qua, công nghiệp phát triển chậm là nằm trong kế hoạch chủ động của TP chứ không phải do yếu kém. Công nghiệp TPHCM đang cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời giảm dần các xí nghiệp sản xuất gia công, sơ chế có giá trị thấp.

Công nghiệp tăng chậm nhưng TP lại đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ cao cấp như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch và các ngành kinh tế khác mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đã đề ra. Chính vì chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nên mặc dù công nghiệp tăng chậm, nhưng nhìn tổng quát thì tốc độ tăng trưởng của TPHCM vẫn liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước (năm 2001 là 9,5%; năm 2002: 10,2%: năm 2003: 11,2% và năm 2004: 11,6%).

- Thưa đồng chí, thay vì di dời ra các tỉnh, tại sao không khuyến khích các doanh nghiệp di dời ra vùng ven ngoại thành TPHCM, vì nơi đây cũng đang rất cần đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, mở mang đô thị, giải quyết lao động tại địa phương?

- Việc di dời các doanh nghiệp sử dụng đông lao động giản đơn từ nội thành ra vùng ven và tập trung vào các khu công nghiệp là cần thiết, nhưng không phải là tất cả doanh nghiệp đều vô đó. Bản thân từng doanh nghiệp có định hướng kinh doanh của mình, trong đó có doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh ra các tỉnh khác.

Các doanh nghiệp TPHCM về các tỉnh làm ăn vừa được hưởng chính sách của TPHCM vừa được hưởng chính sách thu hút đầu tư của chính quyền sở tại, trong đó, nhiều tỉnh có chính sách còn hấp dẫn hơn của TPHCM.

- Có nghĩa chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh… thông thoáng hơn chính sách của TPHCM?

- Chắc chắn là vậy rồi! Mặt bằng ở TPHCM quá chật hẹp, hơn nữa, các tỉnh còn rất nhiều tiềm năng (đất đai, tài nguyên, lao động, thị trường…) mà TPHCM không có và chưa khai thác hết, nên họ cần phải có chính sách thông thoáng hơn thì mới thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Việc doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào các tỉnh là hình thức gián tiếp ngăn dòng nhập cư lao động phổ thông từ các tỉnh đổ về TPHCM. Với việc hợp tác giữa 2 bên, các tỉnh cũng muốn giữ lao động của họ để tham gia vào công cuộc phát triển ở địa phương.

- Xin cám ơn đồng chí. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục