* Xin cho tôi biết ý nghĩa của ngày Tết Nguyên tiêu. Vì sao người ta lại treo đèn lồng trong ngày Nguyên tiêu? (Trần Phượng Trân, Lê Thánh Tôn. Q1)
- Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng Nguyên là lễ hội cổ truyền Việt Nam vào ngày 15 (ngày rằm) tháng giêng Âm lịch. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ.
Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Tết Nguyên tiêu còn là mùa Valentine phương Đông.
Thơ Đường có câu: Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt, chính mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ là mùa Ngưu Lang Chức Nữ gặp gỡ se duyên... Trong đêm Nguyên tiêu có tập tục đốt đèn, chơi lồng đèn và sau này là Hội hoa đăng đêm Nguyên tiêu.
Lồng đèn xưa kia là đèn cầy, khi đốt hết đèn cầy, người ta xem nhựa sáp kết dính thành hình thù gì, nếu giống cây lúa thì năm tới lúa sẽ được mùa, nếu giống đại mạch thì năm tới loại cây nông nghiệp này sẽ bội thu, nếu giống hoa quả thì trái cây mùa tới sẽ tươi tốt, nếu giống cây bông thì mùa sau cây bông sẽ sum sê.
Rằm tháng giêng, người nông dân thường chống một cây sào cao to trước cửa nhà mình, trên treo một lồng đèn màu đỏ rất to. Đó là biểu thị cát tinh cao chiếu (nghĩa là ngôi sao tốt lành soi sáng trên cao). Nếu treo ba lồng đèn thì là tam tinh nhập hộ (sao tốt lành vào nhà).
Theo đó, ở những nơi công cộng nếu trên dưới treo vô số lồng đèn thì người ta gọi là mở hội sao, còn gọi là kim ngọc mãn đường (tức là vàng ngọc đầy nhà), hàm nghĩa giàu sang phú quý, tài lộc dồi dào.
BÍCH CHÂU