Hộp thư văn hóa văn nghệ

* Trần Thị Ngà (Nguyễn Thượng Hiền, Q3): Hiện nay ca trù Việt Nam đang sống lại và phát triển. Người nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu ca trù. Xin cho biết đôi nét về loại hình nghệ thuật này?

- Theo GS Trần văn Khê: Ca chữ Hán nghĩa là hát, Trù là thẻ tre có ghi đánh số để thưởng đào nương hát hay. Đây là một loại ca thính phòng đặc biệt ở miền Bắc, vì diễn viên chỉ hát cho một số nhỏ thính giả nghe.

Nội dung bài hát thường là bài Hát nói. Đào nương hát độc xướng, tay gõ phách. Có một nhạc khí phụ họa là đàn đáy và tiếng trống gọi là trống chầu. Trong lúc hát, có nhiều khổ trống dùng để khen hát, khen đàn như Song châu, Phi nhạn, Xuyên tâm… mà người am hiểu nghe là hiểu ngay.

Thông thường nhóm tham gia ca trù chỉ có ba người: đào nương, kép đàn đáy và người cầm chầu. Về cây đàn đáy, tương truyền có thư sinh tên Đinh Lễ gặp hai tiên ông trong rừng thông cho miếng gỗ và mẫu đàn. Anh làm theo và khi đàn lên thì ai nghe cũng đều thấy vui vẻ, bệnh tật tiêu tan.

Khi anh đến Thanh Hóa, tiếng đàn của anh đã làm con gái quan Châu là Bạch Hoa khỏi bệnh câm. Nghe anh đàn, cô đang ăn cơm và lấy hai chiếc đũa gõ theo nhịp đàn. Và cũng từ cách gõ nhịp của tiểu thư Bạch Hoa nên Đào nương khi hát phải gõ phách bằng hai dùi trên lá phách.

BÍCH CHÂU 

Tin cùng chuyên mục