Chiến tranh Việt Nam - Cuộc so găng quyết liệt trên mặt trận tình báo

Bài 3: Thảm bại tại Lào!

Bài 3: Thảm bại tại Lào!

Với loạt chiến dịch thành công của bộ đội Việt Nam tại khu vực giáp giới cũng như vùng Tây Nguyên, quân đội VNCH hối Diệm hỗ trợ lính Hoàng gia Lào tái chiếm Xê phôn. Tuy nhiên, Diệm từ chối và thay vào đó yêu cầu ủng hộ BV 33. Nhóm đặc nhiệm thuộc Sư đoàn 1 bộ binh VNCH - cùng hỗ trợ của Nhóm quan sát thứ nhất (OG I) - bắt đầu lẻn vào Lào...

Màn ra mắt đầu tiên thất bại

OG I không là thành phần “quan sát viên quốc tế” nào hết mà chính là phân nhánh của Văn phòng liên lạc tổng thống (Presidential Liaison Office - PLO), có nhiệm vụ giám sát và báo cáo tình hình Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung cho riêng John F. Kennedy.

Bài 3: Thảm bại tại Lào! ảnh 1

Máy bay CIA tại Lào

Đầu tiên được biết đến với tên “Phân khu 6” thời chiến tranh Đông Dương, PLO hình thành như một văn phòng phản gián của Mỹ tại khu vực. Sau khi được giao lại cho VNCH, PLO nằm dưới sự chỉ huy của trung tướng ngụy Lê Quang Tung.

Hè năm 1957, 54 lính PLO trải qua khóa huấn luyện 4 tháng tại Nha Trang với hướng dẫn của một toán đặc nhiệm bộ binh Mỹ (U.S. Army Special Forces). Sau 4 khóa tuyển mộ và huấn luyện (mỗi khóa cho tốt nghiệp khoảng 50 người), PLO chia thành các đội 15 thành viên. Mỗi đội được chỉ định nằm vùng ở địa điểm cụ thể nào đó tại khu vực biên giới với nhiệm vụ quậy phá và tấn công du kích vào lực lượng bộ đội Việt Nam.

Ngày 6-5-1961, nội các John F. Kennedy chính thức chuẩn y chương trình tuyệt mật đánh phá biên giới Lào (đường mòn Hồ Chí Minh). Chiến dịch được trợ giúp của Phân đoàn nghiên cứu hỗn hợp (CSD - gồm một nhóm CIA nằm trá hình trong sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, với chỉ huy trưởng là đại tá Gilbert Layton).

Cùng thiếu tá ngụy Trần Khắc Kinh (chỉ huy phó PLO), Layton lập kịch bản “Thunder shower” (Lôi vũ) mà sau này được biết đến với cái tên “Typhoon” (Bão dữ). Để đảm bảo kế hoạch vẹn toàn, Kinh còn tuyển một số lính từ Sư đoàn 22 bộ binh (đóng ở Kon Tum). Số lính này được đưa về Trường Sĩ quan Thủ Đức để trải qua khóa huấn luyện cận chiến.

Sau khi tốt nghiệp, nhóm này được đặt tên là Đại đội 1 không kỵ Ranger, nằm dưới sự chỉ huy của đại úy Lương Văn Hối (từng có mặt trong lực lượng Pháp thời chiến tranh Đông Dương). Tiếp đó, Kinh thành lập Đại đội 2 không kỵ Ranger. Cùng hai đại đội này, Kinh tung lực lượng tình báo đến đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng 8-1961. Từ máy bay Douglas C-47, đám quân báo nhảy dù xuống Lào.

Sau gần 3 tháng, các toán quân báo VNCH tái hợp và cùng bí mật tản đến khu vực giáp giới. Tháng 11-1961, khi mò về sân bay Attopeu để lấy lương thực, một nhóm quân báo VNCH bị bộ đội Việt Nam phát hiện và tấn công. Kinh liên lạc quân đội Hoàng gia Lào, xin cứu viện. Tuy nhiên, chẳng ai dám mạo hiểm vào địa thế hiểm trở và thay vào đó không quân Hoàng gia Lào dội bom xuống khu vực. Trong cơn hoảng loạn, ba lính quân báo VNCH phóng vào rừng trốn. Nhận được tin, chỉ huy trưởng Attopeu - đại tá Khong Vongnarath - ra lệnh ngưng bỏ bom và phái hai đại đội tìm lính quân báo VNCH…

Thiên bất dung gian

Sau màn ra mắt đầu tiên thất bại, PLO tung ra Toán 5 dưới chỉ huy của Nguyễn Ngọc Giang vào khu vực. “Thiên bất dung gian”, chiếc máy bay tiên phong của Giang lạc tay lái va vào lùm cây to, Giang phải liều mình phóng xuống để tự cứu mạng. Hậu quả, Giang gãy cả hai chân.

Một giờ sau, lính của Giang mới nhảy dù xuống và loay hoay cả tiếng mới tìm được sếp. Khi thấy đồng đội, Giang quát tháo nhặng xị và sau đó rút súng toan tự tử! Đám lính tước súng Giang và điện về Sài Gòn xin giải cứu khẩn cấp. Một lần nữa, Kinh lại không tuân thủ quy định CIA, bí mật phái một trực thăng H-34 đến hiện trường, với hỗ trợ của hai chiến đấu cơ Douglas A-1. Đích thân Kinh chỉ huy chiến dịch, từ chiếc C-47.

Tuy nhiên, không lâu sau khi hai chiếc Douglas A-1 khởi hành từ Đà Nẵng, họ mất liên lạc với nhóm Giang. Không biết làm gì hơn, chiến dịch giải cứu hủy bỏ (sau này mới biết hai chiếc Douglas A-1 đã đâm vào núi). Tuyệt vọng, nhóm Giang lần mò trong rừng tìm đường về. Ngày 10-12-1961, cả nhóm đã bị bắt…

Kế hoạch đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục được CIA yêu cầu VNCH thực hiện (trước đó, tháng 7-1961, một sĩ quan OG I thân chinh ra trận cũng đã bị thộp sau khi máy bay bị bắn rơi). Sau nhiều lần xôi hỏng bỏng không, lực lượng đặc nhiệm VNCH đổi tên thành Nhóm 77 (đặt theo sự kiện ngày 7-7-1954, khi Diệm chính thức lên ghế tổng thống) và chỉ huy Bùi Thế Minh được thay bằng thiếu tá Phạm Văn Phú.

Là tiểu đoàn phó không kỵ đầu tiên trong hàng ngũ quân ngụy thời Pháp, Phú từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ năm 1954 và bị bắt làm tù binh. Sợ Phú bị “tẩy não” sau khi được Việt Minh thả, quân đội VNCH đã xếp Phú vào thành phần bị theo dõi chặt chẽ.

Tuy nhiên, với nhiều lần chứng minh lòng trung thành, Phú được giao ghế chỉ huy Nhóm 77. Theo yêu cầu của Phú, nhóm quân báo - đặc nhiệm VNCH được mở rộng, thêm Đại đội 3 và Đại đội 4 Ranger. Đại đội 4 gồm đa số thành phần Thiên Chúa giáo tình nguyện, được tuyển mộ từ sự giúp đỡ của linh mục Mai Ngọc Khuê. Đại đội trưởng Đại đội 4 Ranger là trung úy Trần Khắc Khiêm (em ruột Kinh).

Đầu năm 1962, chiến dịch Typhoon “phiên bản cập nhật” được tiến hành. Tiến vào Lào từ Lao Bảo, Đại đội 1 Ranger lẻn đến Muong Nong. Dự kiến nằm phục tại đây bốn tuần chờ quân báo nhảy dù xuống hỗ trợ, Đại đội 1 Ranger bất ngờ bị tấn công và thiệt mạng 4 người. Không còn cách nào khác, họ thu binh trở về Lao Bảo.

Giữa năm 1962, lực lượng Typhoon mở thêm vài chiến dịch thâm nhập nữa. Tuy nhiên, tháng 10-1962, khi một hiệp định quốc tế có hiệu lực tại Lào (yêu cầu tất cả lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi nước này), chiến dịch Typhoon bị ách lại. Tổng cộng, quân báo VNCH đã thực hiện 41 đợt thâm nhập biên giới Lào cũng như dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong thời gian đầu thập niên 1960 và không chiến dịch nào đem lại “cơm cháo” gì! .
______
Bài 4: Chiến dịch mang mật danh Arc Light

Phúc Cẩm

Bài 1: Những cuộc “khảo sát” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Bài 2: CIA và đường mòn Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục