Airbus - Thăng trầm đôi cánh của châu Âu

Bài 1: “Cất cánh” từ đống tro tàn

Sản xuất khi chưa có đơn đặt hàng nào!
Bài 1: “Cất cánh” từ đống tro tàn

Việc tập đoàn sản xuất máy bay dân dụng hàng đầu châu Âu quyết định ngừng đàm phán về việc bán một vài cơ sở bất động sản của họ tại Pháp vẫn không làm cho cộng đồng kinh doanh tại châu Âu có thể bớt lo lắng. Vì theo những chuyên gia hiểu biết về Airbus, nếu không bán bớt một phần tài sản và cổ phiếu tại Pháp, Đức và Anh, cũng như không kịp thời chuyển đổi việc sản xuất sang một số nước thứ ba - như tới Đông Âu hay Đông Nam Á - nhà sản xuất máy bay của châu Âu sẽ khó có thể vượt qua được đợt khủng hoảng tài chính lần này.

Sản xuất khi chưa có đơn đặt hàng nào!

Tuy nhiên đối với nhìn nhận của nhiều người, đây đơn giản chỉ là một giai đoạn khó khăn nhất thời. Nhà chế tạo máy bay khổng lồ tại châu Âu đã không ít lần thể hiện được “sức sống” của mình trong những tình huống nguy kịch nhất, một thực tế đã không ít lần xảy ra trong lịch sử 40 năm tồn tại và phát triển của họ.

Bài 1: “Cất cánh” từ đống tro tàn ảnh 1

Airbus A300 – sản phẩm có tiếng đầu tiên của Airbus

Bản thân sự hình thành và phát triển ban đầu của Airbus có thể coi là một kỳ tích. Nó được bắt đầu từ sự liên kết của những xí nghiệp có tiềm lực về kỹ thuật - công nghiệp hàng đầu của Pháp, Đức và Tây Ban Nha và được đăng ký liên doanh theo luật pháp… Hà Lan.

Người Mỹ ban đầu đã đánh giá thấp về khả năng của các đối thủ cạnh tranh từ cựu thế giới. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các xí nghiệp hàng không của châu Âu về cơ bản đã bị tàn phá hoàn toàn.

Cho dù châu Âu sau đó đã bắt đầu có được những thành tựu riêng lẻ trong lĩnh vực hàng không dân dụng (điển hình như hãng Caravella của Pháp vào những năm 1950), tình trạng chung của ngành công nghiệp này vẫn thua kém rất nhiều so với các đối thủ của Mỹ như Boeing hay McDonnell Douglas.

Nói một cách khác, chẳng có quan chức nào bên kia bờ Đại Tây Dương khi đó quan tâm thực sự tới thông tin về việc hình thành một tập đoàn của các nhà chế tạo máy bay châu Âu vào ngày 18-12-1970. Ban đầu Airbus Industries là sự kết hợp của các đối tác bình quyền như Tập đoàn Sud-Aviation (của Pháp, về sau đổi tên thành Aerospatiale), hãng Deutsche Airbus (Đức). Đến năm 1971, liên doanh Pháp - Đức tiếp nhận thêm đối tác CASA từ Tây Ban Nha.

Hai năm sau (ngày 28-10-1972), trụ sở của Airbus tại Toulouse đã có một ngày hội thực sự, khi phiên bản máy bay dân dụng A300 có chuyến bay đầu tiên. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ 10 năm sau, loại máy bay này đã trở nên phổ biến trên các đường bay và được sản xuất hàng loạt.

Chiếc A300 ban đầu được thiết kế như một máy bay hai động cơ, mô phỏng gần giống những máy bay với 3 tuốc bin như DC10 của McDonnell Douglas hay Boeing 727. Sự kiện này chỉ được người Mỹ nhìn nhận như một sự khác thường ngờ nghệch. Nguyên nhân là châu Âu làm ra chiếc máy bay này trong bối cảnh họ chưa có bất kỳ một đơn đặt hàng nào từ các hãng hàng không, một chuyện không có tiền lệ tại Mỹ.

“Bàn thắng” đầu tiên

Châu Âu đã dồn hết nỗ lực và tâm huyết vào “con chim sắt” đầu tiên của mình. Đằng sau các kiến trúc sư hàng không còn là sở nguyện chính trị của những nguyên thủ từ Pháp và Đức. Với sự hỗ trợ này, chương trình tham vọng của châu Âu thống nhất đã lôi kéo được sự tham gia hợp tác của gần 1.500 hãng cung cấp từ 30 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới với niềm tin sẽ nhanh chóng có các đơn đặt hàng.

Vấn đề còn lại là phải tập trung nghiên cứu sao cho chiếc máy bay này phải có giá thành thấp hơn, đồng thời phải có tiến độ sản xuất và lắp ráp nhanh hơn đối thủ Boeing. 

Với chiếc A300, châu Âu đã có “bàn thắng” đầu tiên vào lưới các đối thủ từ bên kia Đại Tây Dương. Cuộc cách mạng táo bạo tại Airbus đã thành công nhờ một bí quyết, theo đó các máy bay được sản xuất theo nguyên tắc “đồ chơi lắp ráp trẻ em”.

Các bộ phận và chi tiết được sản xuất tại nhiều nhà máy của các hãng đối tác, trước khi được chuyên chở tới lắp ráp hoàn chỉnh thành một chiếc máy bay tại Toulouse. Bí quyết đặc biệt quan trọng của sơ đồ này là ở chỗ phải xây dựng và vận hành thành công một mạng lưới vận tải có khả năng làm việc chính xác như một chiếc đồng hồ bấm giây của Thụy Sĩ.

Châu Âu đã thành công với mục tiêu này bằng cách tận dụng mọi tuyến đường biển, đường sông và đường bộ, trước còn chế tạo riêng một chiếc máy bay vận tải để phục vụ cho mục đích này. Đơn đặt hàng đầu tiên xuất hiện từ chính những người Pháp (ban đầu phần nhiều từ lòng tự hào dân tộc) với việc đặt mua 6 chiếc A300 cho hãng Air France. 

Xét về phương diện kỹ thuật, chiếc A300 đã là một thành công rất lớn của châu Âu, cho dù đến năm 1975, họ chỉ sản xuất được hơn 40 chiếc, một con số không quá lớn do hạn chế từ nhu cầu của thị trường hàng không châu Âu.

Trong khi đó, thị trường hàng không tại Mỹ đang rất sôi động và phát triển. Airbus bắt đầu đặt ra mục tiêu tiếp theo của mình từ nhận định: Không chinh phục được thị trường Mỹ thì không thể nói tới khả năng chinh phục bầu trời bao la.

Bài 2: Chinh phục nước Mỹ

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục