Sau triển lãm tranh đầu tay Vùng mơ vào cuối tháng 1, đây là lần thứ hai Hứa Vĩ Văn sáng tác và đặt tác phẩm tại không gian làm việc chia sẻ (coworking spacae) của Toong. GốcCreation tiếp tục đóng vai trò giám tuyển chính.
Kết quả, bộ tác phẩm tranh đa chất liệu của Vùng yên, gồm 14 tác phẩm với chủ đề chính đến từ những suy tưởng về biển, lửa và tự do được trưng bày tại Toong (188 Võ Thị Sáu, quận 3) trong vòng hơn 1 tháng, kéo dài đến ngày 10-6.
Điều thú vị, Vùng yên liên tục được kiến tạo và tái tạo, với sự bổ sung các tác phẩm mới theo tiến trình sáng tác tự nhiên của nghệ sĩ.
Vùng yên đánh dấu sự kiện nghệ thuật đầu tiên thuộc chuỗi chương trình Art Resider do GốcCreation cộng tác cùng Toong.
Điểm đặc biệt của mô hình tổ chức Art Resider là nghệ sĩ được toàn quyền sáng tác trực tiếp trước người xem trong không gian, cấu trúc của triển lãm cũng được liên tục cập nhật và thay đổi. Theo cách này, người nghệ sĩ được đặt trong lòng không gian làm việc đương đại với quy trình sáng tạo trở thành trọng tâm.
Khán giả có thể quan sát, đồng hành và trở thành một phần của quá trình sáng tác thay vì chỉ thưởng thức tác phẩm hoàn thiện. Nói như Hứa Vĩ Văn, thật hiếm khi chúng ta được mời đến phần “hậu trường” của nghệ thuật.
Thời gian đầu, Hứa Vĩ Văn “lưu trú" tại Toong và trực tiếp vẽ trước công chúng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, để đảm bảo an toàn hiện anh dành thời gian sáng tác tại nhà.
Với Art Resider, Hứa Vĩ Văn gián tiếp biểu đạt tư duy nghệ sĩ cởi mở: không chỉ đưa nghệ thuật vào không gian làm việc của doanh nhân - trí thức, mà còn cổ vũ một văn hóa sáng tạo đặc thù, nơi ai cũng có thể tự do khám phá, thử nghiệm và không ngừng phát triển.
Lần này, Hứa Vĩ Văn trở lại với nguồn cảm hứng và táo bạo thử nghiệm chất liệu mới: màu acrylic, vỏ ốc, cát biển và sao biển khô. Triển lãm được đặt tên Vùng yên/Night Irene – với Irene có nghĩa là bình yên trong tiếng Hy Lạp, cũng đồng thời thể hiện cách thực hành nghệ thuật phóng khoáng, tự do của người nghệ sĩ trong thế giới đang gặp nhiều thách thức bởi đại dịch.
Vùng yên cũng là lời gợi nhắc đậm chất thơ về vai trò lớn lao của thiên nhiên và sự sống bền vững của con người. Đặc biệt, khi thiên nhiên đang bị phá hoại bởi khách du lịch đang được dấy lên mạnh mẽ.
Hành trình của Hứa Vĩ Văn với hội họa còn truyền đi một thông điệp giàu ý nghĩa với người trẻ: đừng bao giờ ngừng khám phá và phát huy năng lực của bản thân mình.
Là một sinh viên trường Mỹ thuật, bén duyên với nghệ thuật rồi trở về với vẽ theo cách rất tự nhiên, Hứa Vĩ Văn sáng tác như một cách cân bằng, làm mềm mại tâm hồn của mình, đồng thời là để sẻ chia và khơi gợi những đồng cảm.
Theo anh Dương Đỗ, nhà sáng lập và điều hành Toong, những "sự làm phiền" tích cực của tự nhiên và nghệ thuật trong môi trường làm việc sẽ góp phần mài giũa các giác quan của con người. Từ đó, giúp mỗi người phát huy tốt hơn tiềm năng của bản thân, mang lại hiệu quả cho công việc.
Triển lãm ban đầu mở cửa tự do cho tất cả khách tham quan. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để hạn chế rủi ro và lây nhiễm, Vùng yên hiện chỉ dành cho những người đang làm việc tại Toong.
Được biết, mọi lợi nhuận từ việc bán tranh của Hứa Vĩ Văn sẽ được gửi đến các chiến sĩ vùng biên giới, góp phần phòng chống dịch Covid-19.