Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều quận huyện, sở ngành có mức giải ngân khá thấp chưa tới 10%, có nơi giải ngân dao động từ 22-33%, một số nơi đạt mức giải ngân khoảng 40-50%... Nhìn chung mức giải ngân này chưa đạt yêu cầu. 

 

Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh
Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh

Chiều 3-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2017. Tại cuộc họp, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời nhấn mạnh sở, ngành, quận huyện nào để xảy ra giải ngân chậm trễ thì người lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Mức giải ngân chưa đạt yêu cầu

Tại phiên giải trình, nhiều quận huyện, sở ngành có mức giải ngân khá thấp chưa tới 10%, có nơi giải ngân dao động từ 22-33%, một số nơi đạt mức giải ngân khoảng 40-50%... Nhìn chung mức giải ngân này chưa đạt yêu cầu.

Ở một số địa phương như quận 10, Tân Bình, Thủ Đức, việc giải ngân bị chậm do ảnh hưởng bởi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 Ngoài ra, lãnh đạo một số địa phương khác cũng cho biết, hiện nay giá cát xây dựng “leo thang” do thị trường khan hiếm nên đã tác động đến tiến độ xây dựng, bàn giao công trình của nhà thầu.

 Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, vốn ODA do Trung ương cấp phát, vốn ngân sách TP) giao cho TPHCM là 26.183 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7, tổng số vốn TP giải ngân được là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân được 722 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22%; vốn ODA giải ngân được 2.901 tỷ đồng, đạt 71,9%; vốn ngân sách TP giải ngân được 9.589 tỷ đồng, đạt 50,8%.

Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1 Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2017

Tỷ lệ giải ngân thấp được lý giải như sau. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, TP được giao kế hoạch vốn đợt 2 năm 2017 để thực hiện 2 dự án xây dựng bệnh viện tuyến cuối gồm Bệnh viện Nhi đồng TP và Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu theo Quyết định 612/QĐ-BKHĐT ngày 28-4-2017 là 3.200 tỷ đồng. Nên sau khi các cơ quan quản lý tài chính hoàn tất công tác nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế TP mới tiến hành thủ tục giải ngân.

Riêng đối với tiến độ giải ngân vốn ODA thì bị vướng bởi lý do tổng nhu cầu vốn ODA lớn hơn nguồn vốn được phê duyệt. Cụ thể, nhu cầu cho các dự án trên địa bàn TP khoảng 7.700 tỷ đồng, nhưng tổng kế hoạch vốn ODA do Trung ương cấp phát chỉ hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 50%. Thế nhưng quy định tại Quyết định 198/QĐ-BKHĐT ràng buộc việc giải ngân đối với vốn vay ODA năm 2017 phải theo mức vốn kế hoạch được giao. Do vậy, TP rất khó triển khai và đưa các dự án vào khai thác sử dụng đúng thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng quốc tế, dễ phát sinh khiếu nại, các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán…

Gấp rút giải ngân

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã tham mưu UBND TP kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung vốn ODA cho TP là 3.648 tỷ đồng, trong đó dự án Xây dựng đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là 3.303 tỷ đồng; Dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 là 345 tỷ đồng. Trong kiến nghị cũng cam kết  sẽ giải ngân hết số vốn được Trung ương giao.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cách đây ít ngày, tại hội nghị ngày 1-8 về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo hiện nay do Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh. Cụ thể, tăng tổng mức đầu tư từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng. Tuy nhiên mức điều chỉnh này chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với phần vốn tăng thêm nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung kế hoạch vốn ODA trung hạn và hằng năm theo quy định.

“Đề nghị các sở ngành, quận huyện phải nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết tháng 1 hằng năm phải chốt giải ngân 100%. TP sẽ xem xét trách nhiệm của từng đơn vị, sau đó xem xét các năm sau có phân bổ vốn nữa hay không, nhằm tránh ôm vốn, phát sinh trần nợ công”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nói.

Trước các vướng mắc nêu trên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng, muốn TP phát triển thì đầu tư hạ tầng phải phát triển, giao thông cần đi trước một bước. Phát triển giao thông cần song hành với phát triển cụm đô thị. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận năm nào TP cũng phải nhắc các sở ngành nhanh chóng giải ngân là không nên. Các sở ngành, quận huyện cần chủ động trong vấn đề này. Đối với các khó khăn phát sinh trong quá trình giải ngân thì sở ngành, địa phương cần báo cáo nhanh để TP xem xét, tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục