Vụ con gái một thứ trưởng bỏ việc sau khi du học bằng tiền nhà nước

Inlaco Sài Gòn chỉ mới được hoàn trả 1/3 chi phí đào tạo

Inlaco Sài Gòn chỉ mới được hoàn trả 1/3 chi phí đào tạo

Theo nguồn tin của phóng viên báo SGGP, sau khi có đơn tố cáo và dư luận trên báo chí về vụ con gái một thứ trưởng bỏ việc sau khi được du học bằng tiền do nhà nước đài thọ, ông Phạm Duy Anh – Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mới vội vã chi trả cho Inlaco Sài Gòn tổng cộng trên 180 triệu đồng – tương đương 11.364 USD (theo tỉ giá 1 USD bằng 15.840 đồng) – một phần chi phí mà cơ quan này đã bỏ ra cho con gái ông là Phạm Thị Quỳnh Trang du học nước ngoài.

Inlaco Sài Gòn chỉ mới được hoàn trả 1/3 chi phí đào tạo ảnh 1
Hợp đồng đào tạo và quyết định cử bà Trang đi du học của INLACO Sài Gòn. Ảnh VNN

Số tiền này được ông Phạm Duy Anh ủy quyền cho Phạm Thị Quỳnh Trang nộp trả vào các ngày 26, 30 và 31-5-2005, thông qua 3 phiếu thu do thủ quỹ Inlaco Sài Gòn lập.

Trong thư “giải trình” gửi các cơ quan báo chí, ông Phạm Duy Anh khẳng định, với số tiền trên, ông đã hoàn trả đầy đủ chi phí mà Inlaco Sài Gòn ứng ra cho Phạm Thị Quỳnh Trang du học nước ngoài khi còn là nhân viên Inlaco Sài Gòn. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền trên 180 triệu đồng mà ông Phạm Duy Anh chi trả, chỉ mới bằng 1/3 tổng số tiền phải trả theo hợp đồng và các cam kết ký giữa ông và Inlaco Sài Gòn (32.842,36 USD và 10 triệu đồng Việt Nam).

Cụ thể, sau khi về làm nhân viên Công ty Hợp tác lao động với nước ngoài phía Nam (tức Inlaco Sài Gòn) chi nhánh Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, từ tháng 1-2003, Phạm Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1979), được cơ quan cử đi học ngoại ngữ (tiếng Anh) 6 tháng tại New Zealand.

Thủ tục cử Phạm Thị Quỳnh Trang đi học nước ngoài (gồm hợp đồng đào tạo, quyết định cử cán bộ đi học tập) do ông Cáp Trọng Tuấn - Giám đốc Inlaco Sài Gòn ký. Theo đó, INLACO Sài Gòn hỗ trợ chi phí đào tạo cho Trang số tiền 7.850,62 USD (trong đó một nửa đài thọ, một nửa cho vay) với cam kết tài chính: nếu đi học về không làm việc cho công ty tối thiểu 5 năm thì phải hoàn trả 100% học phí và bị phạt thêm 30% chi phí đào tạo (2.355,19USD), tổng cộng là 10.205,81USD.

Ngay sau khi kết thúc khóa học tại New Zealand về nước, Phạm Thị Quỳnh Trang tiếp tục được Inlaco Sài Gòn cử đi học khóa đào tạo Thạc sĩ về quản lý hàng hải và vận tải biển 2003 – 2004, tại Đại học Antwerp, Vương quốc Bỉ trong thời gian 8 tháng (từ tháng 9-2003 đến 5-2004).

Lần này, Phạm Thị Quỳnh Trang được INLACO Sài Gòn hỗ trợ 17.412,73 USD (cũng với hình thức một nửa đài thọ, một nửa cho vay) và 40% tiền lương trong thời gian đi học - tương đương với 3,2 triệu đồng (mỗi tháng 400.000đ), với cam kết tài chính: sau khi học xong nếu không làm việc cho công ty tối thiểu 10 năm thì phải hoàn trả 100% học phí và bị phạt thêm 30% chi phí đào tạo (5.223,82USD), tổng cộng là 22.636,55 USD - chưa kể tiền lương trong thời gian đi học.

Như vậy, theo các hợp đồng và cam kết tài chính ký kết giữa 2 bên, sau 2 khóa du học trở về, Phạm Thị Quỳnh Trang không làm việc cho Inlaco Sài Gòn ít nhất 15 năm thì phải bồi thường tổng cộng 32.842,36 USD và 10 triệu đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa đào tạo tại Bỉ về nước, Phạm Thị Quỳnh Trang lại lập tức chấm dứt hợp đồng lao động với Inlaco Sài Gòn vào ngày 26-7-2004 để chuyển sang làm việc cho Công ty Vận tải biển Văn Lang mà không bồi hoàn chi phí đào tạo cũng như thiệt hại cho Inlaco Sài Gòn theo các cam kết đã ký.

Mãi đến cuối tháng 5-2005 (tức gần một năm sau khi Phạm Thị Quỳnh Trang chấm dứt hợp đồng lao động tại Inlaco Sài Gòn), khi có đơn tố cáo và dư luận trên báo chí, ông Phạm Duy Anh mới chữa cháy bằng cách chi trả một phần chi phí mà Inlaco đã bỏ ra cho Phạm Thị Quỳnh Trang đi du học. 

PHẠM TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục