(SGGPO).- Ngày 27-1, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID đã tổ chức diễn đàn góp ý cho dự thảo Luật Ngân sách nhà nước, tập trung vào nội dung lồng ghép vấn đề giới.
Các tham luận tại diễn đàn nhận định, mặc dù vấn đề đưa bình đẳng giới vào nội dung sửa đổi Luật Ngân sách đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Bình đẳng giới năm 2006 (theo đó “nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bao gồm ngân sách nhà nước”), song trên thực tế, yêu cầu này chưa được quan tâm đúng mức do thiếu nguồn lực. Trong đó, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới là một ví dụ. Chương trình quốc gia về bình đẳng giới được bố trí 326 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho giai đoạn 2011-2015, nhưng trong cả giai đoạn này, chỉ có 125 tỷ đồng được cấp cho 5 dự án. Việc phân bổ nguồn ngân sách này cho các cấp quản lý sử dụng ngân sách không rõ được dựa trên nguyên tắc cụ thể nào, được lồng ghép vào nhiệm vụ chung của bộ, ngành, địa phương hay dựa trên nhu cầu thực hiện các biện pháp bảo đàm bình đẳng giới trong lĩnh vực hoặc phạm vi quản lý của họ...
Ở cấp địa phương, mặc dù Chính phủ đã quyết định dành 464 tỷ đồng cho các dự án của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, nhưng do hạn chế về khả năng tự cân đối ngân sách của các địa phương, cũng như thiếu một cơ chế ràng buộc pháp lý rõ ràng, nên rất ít địa phương bố trí ngân sách cho việc thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới hoặc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương mình...
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia tư vấn độc lập, Luật Ngân sách sửa đổi cần bám sát tinh thần của Hiến pháp và đảm bảo sự đồng bộ với các văn bản hiện hành. Đáng lưu ý, về quy trình ngân sách nhà nước, cần bổ sung nội dung về xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai các biện pháp thực hiện bình đẳng giới. Dự luật cũng cần quy định rõ ràng về quy trình đánh giá ngân sách, có cơ chế tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp địa phương vào quá trình xây dựng, phân bổ và giám sát ngân sách nhằm bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch, công khai và tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương…
ANH THƯ