Kê khai tài sản là biện pháp bảo vệ cán bộ

Kê khai tài sản là biện pháp bảo vệ cán bộ

Sáng nay, 3-8, phiên thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng của các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục có nhiều ý kiến về vấn đề kê khai tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến nên quy định kê khai tài sản như thế nào và việc sử dụng bản kê khai đó. Phó Chủ tịch nhấn mạnh cần phải quy định thế nào để luật ban hành là đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cung cần lưu ý việc kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản có thể dẫn đến việc không ai dám mạnh dạn đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cho rằng quy định phải kê khai tài sản của cả vợ (chồng), con trong cùng sổ hộ khẩu là thực tế hơn cả. Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cũng nhất trí với quan điểm này và nêu thực tế là đối tượng tham nhũng thường vì mục đích vụ lợi cho cả gia đình mình.

Kê khai tài sản là biện pháp bảo vệ cán bộ ảnh 1

Thành lập một cơ quan chống tham nhũng riêng có quyền lực đủ mạnh.

Đại biểu cho rằng việc kê khai tài sản minh bạch chính là một biện pháp bảo vệ cán bộ công chức trước dư luận; đồng thời đề nghị bổ sung quy định khi có biến động bất thường về một tài sản lớn thì phải có xác minh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vậy con rể, con dâu không kê khai cũng chẳng sao, vì thế chỉ cần quy định vợ hoặc chồng kê khai là đủ.

Đại biểu Nguyễn Đình Quang (Tuyên Quang) nêu vấn đề niêm yết bản kê khai tại nơi cư trú mới là quan trọng vì ở nơi làm việc rất khó phát hiện tài sản bất minh. Có ý kiến khác lại cho rằng không nên niêm yết mà lưu vào hồ sơ khi nào đề bạt, bầu cử hoặc có dấu hiệu tham nhũng thì mới đưa ra xem xét.

Vấn đề thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến nhất trí với phương án chỉ có Ban Chỉ đạo ở Trung ương, làm công tác chỉ đạo chung, đôn đốc kiểm tra. Đại biểu Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) lại đề nghị các cơ quan hành pháp, tư pháp đều phải có bộ phận phòng chống tham nhũng chứ không cần thiết một cơ quan chung.

Đại biểu cho rằng đấu tranh chống tham nhũng theo cơ quan dân cử là hiệu quả nhất vì Quốc hội, HĐND có quyền giám sát, môi trường hoạt động dân chủ và công khai. Do đó nên thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng thuộc Quốc hội.

Có ý kiến lại cho rằng Ban Chỉ đạo quy định như trong dự thảo thì không có quyền lực, chỉ đạo thì chung chung. Vì vậy đề nghị thành lập một cơ quan chống tham nhũng riêng có quyền lực đủ mạnh.

Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, về xử lý hành vi đưa hối lộ... Về xử lý người tham nhũng, có ý kiến đề nghị đã phát hiện ra tham nhũng là cách chức, cho thôi việc ngay chứ không thể chỉ có cảnh cáo.

(Theo Tin tức)

Tin cùng chuyên mục