Kẹt cầu Nhị Thiên Đường

Từ ngày 7-2 đến nay, xuất hiện cảnh kẹt xe triền miên vào giờ cao điểm sáng và chiều tại cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM), vì cầu Nhị Thiên Đường 1 đang được xây dựng lại nên lối giao thông duy nhất hiện nay là cầu Nhị Thiên Đường 2 bị quá tải.

Từ ngày 7-2 đến nay, xuất hiện cảnh kẹt xe triền miên vào giờ cao điểm sáng và chiều tại cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM), vì cầu Nhị Thiên Đường 1 đang được xây dựng lại nên lối giao thông duy nhất hiện nay là cầu Nhị Thiên Đường 2 bị quá tải.

Khi chưa tháo dỡ cầu Nhị Thiên Đường 1 thì cầu Nhị Thiên Đường 2 chỉ lưu thông một chiều, hướng từ cầu Chà Và về quận 8. Nay tháo dỡ cầu Nhị Thiên Đường 1 thì cây cầu còn lại phải đảm đương cả hai chiều, mặt cầu vốn đã hẹp nay càng thêm hẹp. Anh Lại Quang (nhà ở phường 7, quận 8, đi làm sang quận 5) than: “Chiều đi làm về, qua cầu Chà Và, đến giao lộ Tùng Thiện Vương - Cao Xuân Dục là đối diện với cảnh kẹt xe rồng rắn. Lối lên cầu Nhị Thiên Đường 2 quá hẹp nên dòng xe ngày càng ùn ứ, kéo dài cả 500 - 600m”. Anh Long (nhà ở khu Bình Đăng) kể: “Trước đây sang quận 5 chỉ mất 20 phút là tối đa, giờ phải mất 45 phút, có khi kẹt lâu hơn nữa”. Được biết, thời gian công trình xây cầu Nhị Thiên Đường 1 kéo dài 360 ngày, tức là đến… Tết Mậu Tuất 2018 mới xong. Một năm người dân phải đối diện với cảnh kẹt xe suốt 2 mùa mưa nắng thì thật khốn khổ!

Xây lại cầu đã quá cũ là điều cần làm, song dường như ngành GTVT TPHCM chưa hình dung hết những khó khăn mà người dân phải gánh chịu. Trước tiên, ngành nên có các biển báo hướng dẫn luồng giao thông khác để người dân cân nhắc lựa chọn và tìm lối giao thông thích hợp. Tình trạng ùn ứ xe giao thông qua công trình phần lớn do người dân đi lại theo thói quen nên mới dẫn đến ách tắc giao thông giờ cao điểm. Từ phía quận 5 sang quận 8 và đi về quốc lộ 50 có nhiều lối khác nhau. Có thể chọn đi theo hướng đại lộ Võ Văn Kiệt hoặc Nguyễn Văn Linh, tùy theo địa bàn sinh sống. Thậm chí có thể theo tuyến cầu Nguyễn Văn Cừ hoặc cầu Nguyễn Tri Phương sang Phạm Thế Hiển, dẫu xa một chút.  Đồng thời Cảnh sát giao thông cần tăng cường điều phối giao thông để  tránh kéo theo nạn kẹt xe tại các cầu này. Hướng dẫn luồng giao thông khác để thay đổi thói quen đi lại trong thời gian thi công là điều cần tính đến.

Mặc dù tại ngay công trình cầu Nhị Thiên Đường đơn vị thi công đã phối hợp bố trí với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong… để phân luồng giảm kẹt xe, song vẫn chưa đủ. Cần phải xây thêm cầu tạm, cầu phao để phục vụ việc đi lại bằng xe 2 bánh cho người dân sinh sống ở hai bên bờ kênh. Đây là giải pháp không mới nhưng rất hiệu quả, đã từng được sử dụng khi xây mới cầu Lê Văn Sỹ và cầu Kiệu. Một vấn đề khiến tình trạng kẹt xe ở đây càng nghiêm trọng là do mặt cầu Nhị Thiên Đường 2 rất hẹp, nhưng là trục giao thông chính của nhiều tuyến xe buýt và xe chở rác từ trung tâm TP về bãi rác Đa Phước, nhất là giờ cao điểm chiều. Ngành giao thông vận tải nên tính toán, điều chỉnh hướng giao thông phù hợp cho các phương tiện này, nhất là xe chở rác có thể đi theo hướng Nguyễn Văn Linh ra bãi rác, nếu không thì tránh giao thông vào giờ cao điểm.

Vấn đề còn lại, 360 ngày để hoàn thành công trình là từng ấy thời gian người dân phải vất vả với kẹt xe, nắng mưa, bụi bặm; do vậy, cần tập trung phương tiện và nhân lực đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm hoàn thành.


THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục