Điển hình như mô hình nuôi bò sinh sản của ông Nguyễn Văn Hưởng, một hộ nghèo ở khu phố Rọc Chanh, thị trấn Tân Hưng.
Ông Hưởng cho biết, trước đây gia đình ông rất khó khăn, dù làm nhiều nghề nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Năm 2016, ông được Hội Nông dân thị trấn Tân Hưng tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn số tiền 15 triệu đồng để phát triển chăn nuôi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Tân Hưng. Từ số tiền này, ông mua 2 con bò cái giống về nuôi sinh sản với giá hơn 13 triệu đồng và đầu tư xây dựng chuồng trại. Nhờ chăm sóc tốt nên bò sinh sản rất đều. Sau một thời gian tích cóp, gia đình ông hiện có được 8 con bò (5 con bò sinh sản và 3 con bò con). Mỗi năm ông xuất bán từ 2-3 con bò, lợi nhuận thu được trên 30 triệu đồng/năm.
Năm 2018, ông Hưởng đã trả lại số tiền vay, vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, ông Hưởng mở rộng thêm nuôi dê với số lượng 9 con. Mỗi năm dê sinh sản 2 lứa, đến nay ông Hưởng đã bán 14 con, giá dê thịt từ 80-100.000 đồng/kg, hiện ông có hơn 30 con dê. Lợi nhuận ông Hưởng thu được từ chăn nuôi bò, dê là hơn 80 triệu đồng mỗi năm.
Với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận, không chỉ ông Hưởng mà nhiều hộ dân ở Tân Hưng đã thoát nghèo, vươn lên khá giả là nhờ sự trợ vốn kịp thời từ các nguồn quỹ tín dụng.
Ông Võ Ngọc Nhồi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hưng, cho biết, thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng, giúp hàng chục hội viên vay vốn sản xuất. Để phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện tích cực tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển quỹ. Quá trình cho vay được thực hiện chặt chẽ, các chi hội nông dân bình xét hội viên khó khăn và có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, hình thức vay xoay vòng trong thời gian cố định. Nhờ vậy, nhiều hội viên, nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương.