
Để “giảm tải” cho ngành giao thông công chính, UBND TPHCM quyết định phân cấp một số lĩnh vực hạ tầng đô thị (gồm đường, hệ thống cống thoát nước, cây xanh, vỉa hè) từ Sở Giao thông công chính (GTCC) về cho quận, huyện quản lý. Kết quả sau gần 3 năm thực hiện không mấy phấn khởi khi hàng trăm con đường lớn nhỏ bị oằn lún, mặt đường bị bong tróc không được sửa chữa kịp thời. Hệ thống cống thoát nước vẫn tắc nghẹt, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ gia tăng...
Phân cấp: quận “quá tải”!
Qua khảo sát các điểm ngập, Công ty Thoát nước đô thị cho biết tại nhiều tuyến đường, ngoài nguyên nhân ngập nước do triều cường còn có một nguyên nhân khác là địa phương không thực hiện tốt công tác duy tu nạo vét cống. Cụ thể như quận Bình Thạnh đối với các tuyến đường D1 và D2. Hệ thống thoát nước cấp 4 (đường và hẻm nhỏ) - là tuyến cống thu nhận nước thải trực tiếp từ nhà dân và khu dân cư đổ vào tuyến cống cấp 3, đóng vai trò quyết định đối với tình trạng ngập cục bộ trong khu dân cư.

Nghẹt cống - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước trên đường Hùng Vương, quận 11.
Thời gian gần đây, do không được duy tu nạo vét thường xuyên nên khi mưa xuống, nước không đổ ra cống chính mà chảy tràn ra đường, gây ngập. Ông Hà Văn Dũng, Giám đốc Sở GTCC TPHCM cũng khẳng định nguyên nhân gây ra ngập cục bộ tại nhiều khu dân cư là do tắc nghẽn cống. “Những năm trước, khi chưa phân cấp về cho quận, công tác nạo vét trước mùa mưa quanh tuyến đường Nguyễn Cửu Vân (Bình Thạnh) được thực hiện tốt nên ít khi xảy ra tình trạng ngập nghẹt.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm thay cho quận hoài” - ông Dũng nói. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực các tuyến đường Nguyễn Thông (quận 3), đường Phạm Đình Hổ (quận 6)... Theo một lãnh đạo Sở GTCC TPHCM, trong toàn bộ tuyến cống cấp 4 và khoảng 186/777 km cống cấp 2 và cấp 3 giao về cho quận huyện quản lý, có rất nhiều tuyến cống do không được nạo vét thường xuyên nên đất bùn, rác rưởi lắng đọng lâu ngày đóng cục bên trong.
Hiện nay, hầu hết các quận, huyện chỉ mới tập trung nạo vét máng, hố ga mà chưa quan tâm đến việc nạo vét lòng cống. Đó là chưa kể, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Công ty Thoát nước đô thị và các quận, huyện nên việc nạo vét chưa phát huy tác dụng.
Việc quản lý đường sá cũng chưa được các quận, huyện đầu tư đúng mức. Đường Bà Triệu (đoạn Nguyễn Kim – Triệu Quang Phục), Nguyễn Văn Đừng (đoạn Hàm Tử - Trần Hưng Đạo) và Xóm Vôi (quận 5) có nhiều đoạn mặt đường lam nham với nhiều ổ gà. Trên địa bàn quận 6, nhiều đoạn của các tuyến đường Lê Tấn Kế, Trần Trung Lập, Trần Bình, mặt đường bị tróc nhựa, trơ đá, đọng nước tạo ổ gà sâu tại nhiều vị trí.
Tại hàng loạt tuyến đường của quận Bình Thạnh, Bình Tân như D2, Hồ Ngọc Lãm, đường số 21, mặt đường bị lún sụp sâu; đường Sông Lu, Bàu Tre (huyện Củ Chi) thì bị oằn lún… Thực tế trên cho thấy, dường như sự “quá tải” lâu nay ở cấp sở đã được chuyển về quận khi thực hiện phân cấp. Tình hình đáng lo ngại hơn khi cấp quận –huyện chưa hề có kinh nghiệm xử lý các tình huống khi bị “quá tải”.
Quản lý: mỗi nơi mỗi kiểu
Mô hình tổ chức quản lý hệ thống hạ tầng giao thông đô thị theo phân cấp chưa phù hợp, mỗi quận huyện quản lý mỗi cách - bà Phan Hoàng Diệu - Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị TPHCM nhận định. Lãnh đạo các quận huyện như: 7, Bình Thạnh, Bình Chánh, Nhà Bè đều đề cập đến khó khăn do thiếu kinh phí vì thành phố “rót” xuống quá ít so với yêu cầu thực tế.
Bộ máy quản lý không đủ cả về lượng lẫn chất nên chủ yếu chỉ chạy theo những phản ánh của người dân mà không thể có kế hoạch dài hơi, căn cơ. Đã vậy, khi được phân cấp, quận huyện chỉ biết nhận quản lý đường sá, cống rãnh một cách chung chung mà không được cung cấp bản đồ kỹ thuật hiện trạng tuyến đường và mạng lưới thoát nước nên việc duy tu, sửa chữa vô cùng khó khăn…
Về việc này, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Mục đích của việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng đô thị ngoài việc “giảm tải” cho ngành GTCC, còn giúp cho các quận, huyện - vốn sát với công trình và gần dân hơn, có điều kiện kịp thời phát hiện, chủ động và dễ dàng vận động nhân dân cùng tham gia bảo quản, duy tu sửa chữa khi công trình bị hư hỏng.
Một số vấn đề mà các quận, huyện đặt ra, thành phố đã thấy và đầu tháng 7 vừa qua, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Tổ Quản lý giao thông đô thị (thuộc phòng QLĐT quận - huyện) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp.
Tổ này phải có ít nhất 3 người, do một phó phòng quản lý đô thị trực tiếp phụ trách. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận, huyện sẽ quản lý vốn duy tu, sửa chữa, giám sát công tác thi công và bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác này; xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ các công trình cầu, đường, chiếu sáng vỉa hè, thoát nước; thường xuyên kiểm tra đánh giá khả năng sử dụng và lập kế hoạch duy tu hàng tháng...
UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bổ sung nguồn kinh phí mà thành phố cấp hàng năm cho quận, huyện trên cơ sở nhu cầu và dự toán của quận huyện.
Như vậy, những vướng mắc lâu nay đã có hướng tháo gỡ. Vấn đề còn lại để việc phân cấp phát huy hiệu quả là sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành của thành phố và cấp quận, huyện, trong đó vai trò chỉ huy của UBNDTP là rất quan trọng.
VÂN ANH