Khai thác tốt dư địa để xuất khẩu thủy sản về đích

Trong bối cảnh chung, xuất khẩu thủy sản khó có sự bừng sáng ngoạn mục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cần tận dụng để mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng tiếp theo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xuất khẩu thủy sản sau khi đạt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022 đã rơi vào khó khăn trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm cao nhất trong các nhóm nông sản.

Từ giữa năm, các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu thị trường và Hiệp hội Thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi và tăng tốc từ quý 4-2023 để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 9 tỷ USD. Liệu ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này có thực sự ấm lên vào cuối năm?

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực, chiếm hơn 49% tỷ trọng toàn ngành như tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc tuy đang phục hồi nhưng vẫn còn trong thế khó và đối mặt nhiều thách thức. Doanh nghiệp thủy sản chịu sức ép lớn từ các đối thủ cạnh tranh, mất nhiều đơn hàng, lao động mất việc làm, chi phí tăng. Mặc dù thị trường tỷ dân Trung Quốc mở cửa, tháo dỡ các rào cản phòng dịch Covid-19 từ đầu năm nhưng họ cũng siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu, EU, Nhật bản là những thị trường xuất khẩu hấp dẫn của thủy sản Việt Nam nhưng họ cũng thường sử dụng các công cụ bảo hộ như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các hạn chế từ “thẻ vàng EU” cũng ảnh hưởng nhất định đến các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Từ khó khăn và tín hiệu tích cực hiện tại, nên chọn kịch bản nào cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023? Trong bối cảnh chung, xuất khẩu thủy sản khó có sự bừng sáng ngoạn mục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cần tận dụng để mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng tiếp theo.

Diễn biến gần đây ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc khả quan hơn trong các tháng cuối năm. Tín hiệu thị trường phục hồi rõ rệt nhất là Trung Quốc. Trong tháng 7-2023, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu của các nhà kinh doanh thương mại tăng khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới. Sau kỳ giám sát, kiểm tra, đánh giá lần thứ tư của EU về nỗ lực gỡ “thẻ vàng thủy sản” của Việt Nam vào tháng 10-2023 sắp tới, nếu có kết quả tích cực sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường cao cấp gần nửa tỷ dân này.

Cùng với Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản thì các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam. Đây là các thị trường được nhận định có tiềm năng lớn. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu mới khu vực châu Á, Trung Đông có khả năng mở rộng. Dư địa tăng trưởng giá trị thủy sản còn nhiều chưa khai thác để tăng hàm lượng chất xám thông qua chế biến sâu, chuyển đổi số, điều phối xuất nhập khẩu và khai thác các kênh phân phối, tiêu dùng thủy sản trong nước.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản là những giải pháp nội tại của ngành. Cần ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Cần kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích trong các chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản chủ lực, từ đầu vào đến đầu ra, từ vùng nuôi đến các ngành công nghiệp chế biến, đổi mới, sáng tạo, ngành thương mại, dịch vụ hậu cần logistics, để gia tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu, về đích như kỳ vọng trong những tháng cuối năm.

Tin cùng chuyên mục