
Quảng Trị: Bão số 8 đã làm cho hàng trăm ngôi nhà dân trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong bị tốc mái và hư hỏng nặng; trong đó, riêng xã Hải An, huyện Hải Lăng đã có gần 100 ngôi nhà tốc mái, 4 thuyền đánh cá bị trôi. Riêng huyện đảo Còn Cỏ, bão đã làm hư hỏng hệ thống đường ống dẫn dầu trên đảo, làm chìm 2 tàu đánh cá của Tổng đội Thanh niên xung phong và ngư dân Quảng Bình tránh bão tại đảo Cồn Cỏ hôm qua.
Nhanh chóng giải phóng đường giao thông trong nội thị Đà Nẵng sau bão. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
TT- Huế: Đến trưa ngày 2.10, xác hai cán bộ của Cty Cổ phần thuỷ điện Hương Điền bị lũ cuốn trôi trong đêm 1.11 ở địa phận xã Hương Vân, huyện Hương Trà đã được tìm thấy. Tại huyện Nam Đông, có 17 người dân thuộc hai xã Hương Hữu và Thượng Nhật của huyện đi rừng từ ngày 31.10 bị mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Điều đáng nói, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 tỉnh TT- Huế được thành lập cách đây hơn 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động được vì chưa có… kinh phí và xe cứu thương.
Đà Nẵng: Ông Nguyễn Lộc, PGĐ Công ty Môi trường TP Đà Nẵng cho biết : chỉ trong vòng 11-12 giờ cơn bão đi qua trên địa bàn TP đã làm lượng rác lên tới 5.000 tấn, hiện công ty đã huy động trên 1000 cán bộ công nhân viên cùng 60 xe cơ giới để khắc phục tình trạng cây xanh ngã đổ và rác trên các tuyến đường.
Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã đưa 100% cán bộ chiến sĩ đến vùng ven biển từ đèo Hải Vân đến Non Nước giúp dân sửa nhà, vét giếng nước, trục vớt tàu thuyền mắc cạn… Hơn 1.000 hộ dân di dời khẩn cấp đã trở về dọn dẹp nhà cửa. Ước tính của UBND TP Đà Nẵng, thiệt hại ban đầu trên toàn TP là 41,3 tỷ đồng.
Quảng Nam: Trong ngày 2.11, toàn bộ 15.000 hộ dân thuộc 13 huyện, thị xã phải di dời trong bão số 8 đã trở về nơi ở cũ. Đường Hồ Chí Minh cùng hệ thống giao thông lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Bắc và Nam Trà My… nhiều đoạn sạt lở nặng nề, giao thông ách tắc. UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cả tỉnh có 2.500 hoa màu vụ đông bị hư hại. 14 tàu bị chìm, 1.500 ha nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi, 50 km đê ngăn mặn bị sạt lỡ, 14 tàu cá bị chìm. Thiệt do bão số 8 gây ra ở Quảng Nam khoảng 25 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh thiệt hại khoảng hơn 30 tỷ đồng, trong đó có 15 người chết và bị thương, gần 2000 ngôi nhà bị ngập nước, 200 nhà bị sập hoàn toàn. Tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác về địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, giải quyết những yêu cầu trước mắt đảm bảo giao thông đi lại cho dân, không để dân đói, dân rét. Trước mắt, tỉnh xuất ngân sách hỗ trợ những gia đình có người chết, người bị thương, nhà sập… giúp dân ổn định cuộc sống.
Nhóm PV
- Lật thuyền tại Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam: Tang thương dưới chân cầu Mỹ Cang
Vụ đắm ghe tang thương xảy ra tại chân cầu Mỹ Cang, thuộc địa phận xã Tam Thăng, thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Đến 16 giờ chiều 2-11, lực lượng biên phòng đã tìm kiếm và vớt được 5 xác, trong đó có 1 học sinh trung học.

Đầu chiếc thuyền bị lật ở khu vực cầu Mỹ Cang.
Nhận được tin báo tại cầu Mỹ Cang, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một vụ chìm đò nghiêm trọng, ngay lập tức, lực lượng công an được huy động đến hiện trường. Nước lũ dâng cao, tuyến đường nối từ xã Tam Thăng với QL1A bị ngập sâu trong nước, công tác ứng cứu khó khăn nên phải sử dụng tăng-bo chuyên dụng để tiếp cận hiện trường.
Đa số nạn nhân trên chiếc ghe này là học sinh đi học trên thị xã Tam Kỳ và phụ nữ đang trên đường đi chợ mua lương thực. Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chức năng xác nhận là do lúc chiếc ghe chui qua gầm cầu (lúc đó mực nước đo được từ mặt nước lên thành cầu là 1,58m) do nước lên cao nên ghe đã đâm đầu vào thành cầu. Nước chảy xiết, chiếc ghe quay ngang, đập tiếp vào trụ cầu và lật úp. Một số bơi được vào bờ nên thoát chết.
Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân, gần 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng, Công an, cơ quan quân sự thị xã Tam Kỳ cùng hàng chục người dân ở các xã, phường lân cận đã có mặt tại hiện trường để tiến hành cứu nạn. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Hoàng cũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn, tìm kiếm xác của những người xấu số. Đến 16 giờ lực lượng cứu nạn đã tìm được xác của 5 người . Riêng 16 người khác bơi được vào bờ, đã về nhà. Trời sẫm tối nhưng công tác tìm kiếm xác của các nạn nhân vẫn được tiếp tục bởi vẫn chưa xác định chính xác số người có mặt trên ghe là bao nhiêu…
Ông Trần Quang Chính - Phó chủ tịch UBND thị xã Tam kỳ, cho biết: Trước mắt thị xã tạm thời hỗ trợ mỗi người thiệt mạng 1 triệu đồng để mai táng. Tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân những người chết đưa xác về mai táng. Được biết, ngay sau vụ tai nạn xảy ra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giam lái ghe Phan Văn Thương để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm trên.
N.H. –H.M.
Bình Sơn - Nỗi đau từ lũ Về huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi đường về xã Bình Dương, người dân cho biết: Xã này còn cô lập hoàn toàn, muốn đến thì phải đi canô. Theo con sông Trà Bồng về xã Bình Thới, nhiều xóm nước còn ngập quá đầu gối, xe máy vẫn không đi được. Bà Nguyễn Thị Văn, một người dân ở đây, kể: “Nhà tôi nghèo… làm được vài tạ lúa nhưng nước lũ đã cuốn đi hơn một nửa. Bây giờ chẳng biết trông vào đâu…”. Kể ra bà Văn vẫn còn may mắn hơn nhưng những người xấu số khác, như trường hợp cái chết của chị Lương Thị Thiện, 34 tuổi ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Sáng hôm 1-11, trời mưa lớn, nước ngập, chị cùng với chồng là anh Đoàn Phương Quang, bàn nhau chở 3 đứa con đi gửi nhà người thân. Bỗng nhớ ra số tiền dành dụm còn để tại nhà nên anh Quang trở về lấy. Định mệnh nghiệt ngã lại đến… “Khi chèo thuyền trở lại, gặp phải cơn gió mạnh, nước xiết nên lật thuyền, tôi cố bơi theo vợ nhưng…” Nói đến đây, anh không kể được nữa mà ôm 3 đứa con nhỏ vào lòng… Hay như ở thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, cây đổ làm chị Đinh Thị Cây (20 tuổi) và đứa con trong bụng chết tại chỗ. Thương hơn nữa là ba cha con của ông Trương Đình Cường, Trương Đình Nghĩa, Trương Đình Bình quê ở phường Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng lên huyện Sơn Hà làm ăn bị nước lũ cuốn trôi chưa tìm được xác. P.A. |
Bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới Ngày 2-11, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương có công điệân khẩn số 122 CĐ/PCLBTƯ yêu cầu các địa phương phải cử cán bộ xuống cơ sở đến cấp phường, xã, thôn để kiểm tra, đôn đốc và chủ động di dời dân đến nơi an toàn. Đến sáng 3-11, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải hoàn tất việc di dời dân. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình phải bố trí lực lượng xung kích và phương tiện tới địa bàn giúp dân di dời, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự. Chiều 2-11, sau khi đi dọc theo vùng ven biển Hà Tĩnh - Nghệ An, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/ giờ), giật trên cấp 7. Dự báo, sáng nay 3-11, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thêm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. L.V |