Khát vọng và đẳng cấp

Tại sân Mỹ Đình cách đây hơn 12 năm, đội tuyển Việt Nam từng có chiến thắng 2-0 trước đội tuyển UAE. Khi đó, người ta gọi là “cơn địa chấn”.

 Nhưng trận thắng 1-0 hôm 14-11 lại được người hâm mộ Việt Nam đón nhận tương đối điềm tĩnh. Đơn giản, ở đẳng cấp hiện có, thắng UAE là chuyện được xếp vào ngưỡng “có thể dự báo trước”.

UAE đã vào đến bán kết Asian Cup 2019 hồi đầu năm, giải đấu mà Việt Nam có mặt ở tốp 8. Trước một nền bóng đá mạnh như vậy, nhưng năm ngoái, Olympic Việt Nam chỉ để thua ở loạt sút luân lưu trong trận tranh huy chương đồng Asiad 2018. Hồi tháng trước, đội U22 Việt Nam cầm hòa 1-1 U22 UAE trong trận giao hữu ở sân Thống Nhất. Xét cả một quá trình, thì chiến thắng tại Mỹ Đình vừa qua là bình thường.

Không chỉ có kết quả, diễn biến trận đấu thông qua cách chơi bóng nhàn nhã, thậm chí chủ động giữ chân cầu thủ tránh thẻ phạt và chấn thương, không bung hết sức của đội tuyển Việt Nam là tiếng nói của đẳng cấp.

Chúng ta có 3 điểm, ngôi đầu bảng G và tiến sát với chiếc vé vào vòng đấu loại cuối cùng mà hầu như không có tổn thất gì. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đạt đến một trình độ chơi bóng cao đến như vậy. Cái cảm giác bất an, hồi hộp của người hâm mộ mỗi khi Việt Nam gặp các đối thủ mạnh đã không còn. Chiến thắng, là kết quả duy nhất mà chúng ta chờ đợi ở đội bóng của HLV Park Hang-seo.

Điều đáng nói sau chiến thắng ấy, là nếu tách từng cá nhân có mặt trên sân, thì đội tuyển Việt Nam khó có thể so sánh với dàn cầu thủ giàu có bên phía UAE. Thực tế thì qua 2 trường hợp của Văn Hậu và Công Phượng, năng lực cầu thủ Việt Nam dường như chưa đáp ứng được đòi hỏi chất lượng từ những làng cầu chuyên nghiệp châu Âu. Việc chơi bóng ở Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí còn là dấu hỏi.

Thế nhưng, khi cùng tập hợp trong màu áo đỏ, đội tuyển Việt Nam lại trình diễn một lối chơi đáng kinh ngạc. Để giành được điểm trước tuyển Việt Nam hiện nay là điều không hề đơn giản, kể cả với các đội bóng hàng đầu châu Á. Mặc dù nằm trong bảng đấu được xem là khó nhất vòng loại World Cup 2022, nhưng Việt Nam là đội có điểm số tốt thứ 5 trong số 40 đội tham gia.

Có thể nói, đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam hiện tại được xây dựng bằng chất liệu của cách làm việc chuyên cần và tính đoàn kết của tập thể nhiều khát vọng. HLV Park Hang-seo hầu như không áp dụng một phương thức bí mật nào về chuyên môn trong khâu huấn luyện. Tuy nhiên, chiến lược gia người Hàn Quốc lại tạo ra một môi trường hoàn hảo để từng cá nhân phát huy tối đa năng lực của mình, những cầu thủ đang khoác áo U22 vẫn có thể được đưa lên đội tuyển và vào sân ngay từ đầu để ghi bàn quyết định như trường hợp của Tiến Linh.

Những ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng khi cần thiết vẫn phải hy sinh sự tỏa sáng cá nhân để làm những “công nhân” trên cỏ phục vụ cho các đồng đội của mình. Các cầu thủ đang bị chấn thương vẫn luôn được HLV Park Hang-seo giữ lại ở đội tuyển để giúp họ có động lực phấn đấu. Lối chơi giàu tính tổ chức, đề cao vai trò tập thể mà HLV Park Hang-seo đang xây dựng cũng làm nhiều cầu thủ chưa ra sân luôn có niềm tin là họ sẽ được sử dụng bất kỳ lúc nào. Chỉ cần họ duy trì khao khát cống hiến, họ sẽ được trao cơ hội. 

Đó chính là cách ông Park Hang-seo thay đổi bóng đá Việt Nam. Năng lực tiềm ẩn của cầu thủ Việt, sự yêu mến của công chúng với bóng đá, đó là những điều ai cũng có thể thấy. Nhưng chỉ có HLV Park Hang-seo tạo ra được môi trường tốt nhất để họ phát triển, bằng cách xây dựng một tập thể đề cao sự làm việc, yếu tố cạnh tranh và tính công bằng. Từng trận đấu một, ông Park và các cộng sự đều chuẩn bị kỹ lưỡng, đến mức sẵn sàng đổi cả số áo nhằm đánh lừa đối phương. Ông Park cũng sẵn sàng đương đầu với dư luận để bảo vệ các quyết định về nhân sự của mình liên quan đến trường hợp của Văn Quyết hay Công Phượng. Với những người thầy như thế, các cầu thủ cũng luôn được truyền cảm hứng. 

Đấy chính là cách đưa đội tuyển Việt Nam vươn đến đẳng cấp của châu Á một cách vững vàng, giàu bản lĩnh, dần biến giấc mơ World Cup thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục