
Saigon Invest Group đã đề nghị với tỉnh Bình Định để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy ở tỉnh này với tổng vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng. Theo dự kiến, nhà máy có công suất 150.000 tấn/năm, quy mô vùng nguyên liệu bạch đàn và keo các loại phục vụ cho nhà máy là 45.000 ha, diện tích xây dựng nhà máy khoảng 50 - 100 ha đi vào hoạt động sau khoảng 30 tháng xây dựng.

Mô hình Trung tâm thương mại Cotec Hội An Plaza - Dự án do Cotec Group đầu tư 40 tỷ đồng sắp được khởi công. Ảnh: T.L.
Một nhà đầu tư khác - Tổng Công ty Bia rượu và Nước giải khát Sài Gòn, đã thành lập cùng các cổ đông một công ty mới mang tên là Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, có vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Nhà máy bia này có công suất giai đoạn 1 là 100 triệu lít/năm, đã được phê duyệt dự án đầu tư thiết kế kỹ thuật và đang chuẩn bị đấu thầu, mua sắm thiết bị, thi công xây lắp, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 5-2007.
Co.opMart, một nhà đầu tư chiến lược trong ngành bán lẻ hiện nay trên thị trường TPHCM, nay đã mở rộng hoạt động ra hàng loạt tỉnh miền Trung, mà dự án mới nhất của nhà đầu tư này là xây dựng siêu thị Co.opMart tại tỉnh Quảng Ngãi, ngay chợ Quảng Ngãi.
Trong khi đó, tại các Khu công nghiệp lớn ở miền Trung như Điện Nam - Điện Ngọc, Khu kinh tế mở Chu Lai, khu Dung Quất, các Khu công nghiệp tại Phú Yên, có thể thấy lượng các doanh nghiệp tại TPHCM đi đầu tư nhà máy và xưởng sản xuất mới rất nhiều.
Riêng tại khu Dung Quất, nơi hiện đã thu hút được số vốn đầu tư lên đến 4,15 tỷ USD cho 67 dự án và hiện đang có 36 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn lên đến 1 tỷ USD, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ TPHCM.
Có thể nói đang có một làn sóng đầu tư từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung.Và việc các doanh nghiệp từ TPHCM tích cực tìm thị trường tại các vùng này cho thấy sự phát triển của khu vực miền Trung đang đầy triển vọng với giá đất rẻ, lượng nhân công dồi dào và các ưu đãi về đầu tư khác.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong làn sóng đầu tư tại miền Trung, các ngân hàng đã thi nhau mở hàng loạt chi nhánh tại khu vực này, riêng ở Đà Nẵng đã có gần 20 ngân hàng đang hoạt động tích cực.
Ông Trần Xê, Giám đốc ABBANK Đà Nẵng cho biết: Điểm khác biệt của ABBANK với nhiều ngân hàng cổ phần khác là chúng tôi đang nhanh chóng phát triển mạng lưới trên toàn quốc để phục vụ các doanh nghiệp điện lực. Ngoài ra mới đây chúng tôi cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng nông nghiệp AGRIBANK và sẽ được sự hỗ trợ của mạng lưới 2000 chi nhánh của AGRIBANK trên toàn quốc trong việc thanh toán, quản lý và giải ngân các dự án tín dụng ở các địa bàn ABBANK chưa có mạng lưới.
Với mạng lưới này, cũng như nhiều chính sách ưu đãi khác mà ABBANK đã và đang xây dựng dành riêng cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào địa bàn miền Trung.
NGỌC LAN