
Thực hiện khoản 2 và 3 điều 14 Nghị định 79 của Chính phủ “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở”, từ 15-11-2005 đến 15-1-2006, các phường-xã-thị trấn trên địa bàn TPHCM đã đồng loạt tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND. Đây là một trong sáu tỉnh thành trong cả nước thực hiện đồng loạt việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt tại cơ sở do HĐND phường-xã-thị trấn bầu ra.
Mất chức vì phiếu tín nhiệm thấp
Do lần đầu tiên tổ chức đại trà việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt nên phần lớn các quận huyện đều có sự chuẩn bị chu đáo. Một số phường-xã-thị trấn được chọn làm điểm để rút kinh nghiệm. Trọng tâm của đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này là tổ chức các hội nghị nhân dân để người dân tham gia đóng góp cho các chức danh.

Hội nghị nhân dân tại phường 16 quận Gò Vấp. Ảnh: HOÀI NAM.
Tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, người dân đã chỉ ra những sai sót của chủ tịch UBND xã như thiếu cương quyết khi xử lý các trường hợp sai phạm về đất đai, xây dựng trái phép, trong đó có cả người thân của vị chủ tịch này. Ở phường 8 quận 6, người dân cho rằng chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND phường ít xuống dân, chưa giải quyết tốt các vấn đề bức xúc tại địa phương.
Hay ở phường An Phú, quận 2, người dân đã góp ý thẳng thắn cho chủ tịch UBND phường về những yếu kém, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Mặc dù chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, song tại hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm, những ý kiến đóng góp của người dân đã được các thành viên UBMTTQ phường chất vấn và vị chủ tịch UBND phường đã không trả lời được.
Kết quả, số phiếu tín nhiệm dành cho Chủ tịch UBND phường An Phú chỉ đạt 38,46%. Sau khi UBMTTQ phường có văn bản kiến nghị HĐND xem xét, bãi nhiệm chức vụ, UBND quận 2 đã ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với vị chủ tịch này để kiểm điểm, làm rõ mức độ sai phạm.
Ghi nhận của đợt lấy phiếu tín nhiệm đại trà các chức danh chủ chốt phường-xã-thị trấn năm 2005 cho thấy, tỷ lệ phiếu tín nhiệm đạt 100% thấp hơn so với đợt tổ chức thí điểm tại 43 phường-xã-thị trấn của năm 2004 (hơn 70%/97,8% năm 2004). Kết quả này phản ánh một thực tế: người dân đã có sự quan tâm, đóng góp, kể cả nêu lên những vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt của các cán bộ mà dư luận quần chúng đặt ra.
Ở nơi nào “có vấn đề” về đất đai, xây dựng, hoặc những bức xúc của người dân không được giải quyết đến nơi đến chốn, tín nhiệm của người dân đối với các chức danh chủ chốt giảm hẳn. Ngược lại, những cán bộ nào hứa ít, làm nhiều, luôn sâu sát với đời sống của người dân đều nhận được số phiếu tín nhiệm rất cao.
Qua theo dõi các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại một số phường-xã-thị trấn, ông Tạ Quang Việt, Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật của UBMTTQ TPHCM đúc kết: “Những cán bộ nào sau khi nghe dân đóng góp, nghiêm túc khắc phục, số phiếu tín nhiệm bao giờ cũng cao. Còn đối với những cán bộ tìm cách giải trình quanh co, hoặc chỉ “ghi nhận” – số phiếu tín nhiệm thường rất thấp”.
Để các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực chất
Theo nhận định của Ban chỉ đạo quy chế dân chủ cơ sở TP, đợt bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt vừa qua là bước tập dượt để người dân làm quen với việc thực thi quyền dân chủ của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền ở cơ sở.
Qua đây, các cán bộ cơ sở cũng thấy được những yếu kém, khuyết điểm của mình trong quá trình quản lý, điều hành chính quyền để điều chỉnh và tìm các biện pháp khắc phục. Nhiều vấn đề bức xúc kéo dài, nhiều khó khăn trở ngại trong lãnh đạo điều hành cũng được người dân tham gia đóng góp với một tinh thần trách nhiệm cao, giúp chính quyền có những cách giải quyết thực tế hơn, mạnh dạn hơn.
Tuy nhiên, tại một số phường-xã-thị trấn, cách làm vẫn còn những hạn chế, thậm chí có nơi còn nặng về hình thức, chưa phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể. Các hội nghị nhân dân, người dân tham gia còn ít nên các ý kiến đóng góp chưa sâu, chưa phản ánh được đúng phẩm chất và năng lực của các cán bộ chủ chốt. Nội dung góp ý của người dân có nơi còn chung chung, nặng về đề cao thành tích cá nhân, khen nhiều hơn chê…
Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM: Nhiều vấn đề bức xúc mà người dân phản ánh đã được tiếp thu và đề ra các giải pháp khắc phục. Qua đây, lòng tin của người dân với chính quyền được củng cố; vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức đoàn thể được đề cao và mối quan hệ giữa dân với chính quyền ngày càng được thắt chặt. |
Phạm Hoài Nam