
- Durian làm chết ít nhất 388 người Philippines

Xác người bị lũ bùn nhấn chìm được trục vớt tại tỉnh Albay, Philippines.
Siêu bão Durian đã thay đổi đường đi từ Tây Bắc sang hướng Tây trước khi ập vào tỉnh Albay, Philippines. Đồng thời, tràn vào tỉnh Catanduanes, sau đó chuyển hướng về phía Nam và hướng đến thủ đô Manila.
Hiện các tỉnh Albay, Sorsogon, Camarines Norte, Camarines Sur và Quezon bị mất điện kéo dài. Gần 4.000 người bị kẹt phà vẫn chưa thể trở về nhà do đường sá bị sạt lở và chia cắt, 22.000 người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Mưa lớn do bão Durian gây ra làm lở đất và lũ bùn đã cuốn trôi hàng chục ngôi làng ở miền Đông Philippines ngày 1-12. Theo Hội chữ thập đỏ quốc tế, tổng số người chết lên tới 388 người và 96 người mất tích, phần lớn là tại tỉnh Albay. Người ta đã cứu được một em bé 2 tuổi trên một nóc nhà bị lũ bùn cuốn trôi. Theo thống kê ban đầu chỉ riêng khu vực trồng dừa, tổng thiệt hại là 10 triệu USD.
TS Trần Tiễn Khanh, chuyên gia mạng dự báo VBL (Mỹ) cho biết, Durian có phần yếu đi sau khi vượt qua chướng ngại địa hình ở Philippines. Hơn nữa, khi đi sâu vào biển Đông, Durian sẽ gặp nước biển lạnh và không khí khô của gió mùa Đông Bắc. Durian có thể đến vùng ngang Quy Nhơn, Quảng Ngãi. Điểm đổ bộ của Durian sẽ tùy thuộc vào sức mạnh/yếu của gió mùa Đông Bắc trong vài ngày tới.
Mạng TSR (ĐH Luân Đôn, Anh) dự báo, sáng nay, bão tiếp tục di chuyển chậm về hướng Tây. Đến 1 giờ sáng 3-12 bão xuống cấp bão nhiệt đới và đến 1 giờ sáng 5-12, khi vào sâu trong biển Đông, lại xuống cấp áp thấp tại 14,7 độ vĩ Bắc và 113 độ kinh Đông.

Bão Durian tàn phá Philippines.
- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (VN) dự báo đến 16 giờ ngày 2-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ vĩ Bắc; 115,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía Đông Nam. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 16 giờ ngày 3-12 vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Nam. Khu vực phía Đông và giữa biển Đông, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, sóng biển cao từ 8 - 10m. Biển động dữ dội.
- Ngày 1-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương để triển khai các biện pháp mới đối phó bão số 9 (Durian). Phó Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng nguy hiểm. Các địa phương không báo cáo về tình hình triển khai phòng chống bão số 9 sẽ bị kỷ luật theo mức độ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: thông báo vùng nguy hiểm có tọa độ từ vĩ độ 12 đến vĩ độ 17 và từ kinh độ 115 đến giáp quần đảo Philippines cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời các tàu thuyền ở khu vực khác không được đi vào khu vực này.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn số 4 và 5 yêu cầu các địa phương nghiêm cấm cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ tàu thuyền biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đề nghị giúp ngư dân Việt Nam trú, tránh bão và đã được chấp thuận.
Theo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, tính đến 5 giờ 30 sáng 1-12, đã thông báo được cho 1.935 tàu với 12.645 ngư dân đang hoạt động từ 50 hải lý trở vào, cụ thể là các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và thông báo cho 2.106 tàu thuyền với trên 18.000 ngư dân đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm như: Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Sa và các vùng biển phía Nam.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết, tính đến chiều 1-12, Đà Nẵng còn 401 tàu thuyền với 1664 ngư dân đang ở ngoài khơi, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Tính đến 17 giờ, đã liên lạc được hầu hết tàu thuyền của Đà Nẵng còn ở ngoài khơi và hướng dẫn được 102 tàu thuyền với 667 ngư dân về an toàn. Đồng thời, đã ngăn chặn kịp thời và buộc quay vào bờ 50 tàu thuyền với 255 ngư dân khi những chiếc tàu này đang trên đường ra khơi.
Cũng chiều hôm qua, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết, đã liên lạc được tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi và tổ chức hướng dẫn số tàu thuyền trên nhanh chóng vào đất liền. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Nam còn 27 phương tiện với 169 ngư dân đang vào bờ.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều 1-12 vẫn còn 36 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Bình Sơn và Lý Sơn đang hoạt động tại khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến sáng 1-12, tại Bạc Liêu vẫn còn 34 tàu với 348 thuyền viên chưa liên lạc được phần lớn đang hoạt động trên vùng biển Nam biển Đông và khu vực vịnh Thái Lan.
NHÓM PV