
Dư âm của cơn bão số 6 chưa hết, tại biển Đông đã xuất hiện bão số 7. Trước diễn biến bất thường của thời tiết kéo theo những thiệt hại, đặc biệt là tính mạng con người, SGGP đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương, ông Lê Huy Ngọ về một số bài học nhằm đối phó với thiên tai.
- Pv: Thưa ông, cơn bão số 6 chưa phải là quá mạnh, lại được dự báo từ trước, nhưng vẫn có tới 20 người chết và mất tích. Có phải là công tác phòng chống của chúng ta còn nhiều bị động?

Trưởng ban PCLB TƯ Lê Huy Ngọ thăm hỏi ngư dân trong đợt ứng phó bão số 4.
- Ông LÊ HUY NGỌ: Không phải chúng ta bị động. Thực hiện thông báo của Ban chỉ đạo PCLB trung ương, các địa phương đã chủ động gọi hết tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, không để lại người ở khu vực nguy hiểm nên đã giảm thiểu được thiệt hại về người. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân khiến số người bị thiệt hại cao là do nhiều người dân còn chủ quan trong việc phòng chống bão, mặt khác do diễn biến của bão có nhiều bất thường nên có một số tình huống đã không lường trước được để đối phó.
- Phải chăng công tác dự báo “có vấn đề”?
- Cũng không hẳn thế, dự báo chỉ mang tính tương đối. Có những tình huống chi tiết, mà chưa có cơ quan khí tượng – thủy văn nào khẳng định chính xác được.
- Chúng ta rút ra được bài học gì qua công tác phòng chống lụt bão trong những năm qua, đặc biệt là sau cơn bão số 6?
- Sau mỗi cơn mưa bão, đi thực tế lại thấy xuất hiện những tình huống khác nhau. Kinh nghiệm quan trọng nhất là phải khoanh vùng, xác định khu vực đó bị ảnh hưởng của gió, mưa, lũ như thế nào để đưa ra phương án đối phó cụ thể đối với đặc thù của vùng đó thì mới giảm thiểu được thiệt hại.
Ví dụ như ở miền Trung, những người sống ở khu vực nguy hiểm bên ngoài đê biển, phải đưa họ vào trong. Đưa dân vào trong đê thì bị gió biển thổi cát vào gây ra bụi lớn thì phải tổ chức trồng cây ở giữa đê và khu vực nhà ở của dân để chống bụi. Đối với trường hợp xuất hiện bão ở biển, phải bằng mọi cách thông tin cho tàu thuyền thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão và dứt khoát không cho tàu thuyền ra khơi mà phải vào nơi trú ẩn an toàn.
- Cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Trung chỉ làm chết 3 người, nhưng 17 người khác lại chết do lũ quét, lở đất. Công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm còn rất chậm chạp có phải là nguyên nhân chính khiến nhiều người thiệt mạng?
- Vừa rồi, đi khảo sát ở Trung Quốc về mới thấy người dân nước họ vẫn sống an toàn ngay ở trên núi. Chắc chắn tới đây, ngoài công tác di dời dân vùng trung du và miền núi ở những chỗ nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao xuống dưới khu vực an toàn, chúng tôi sẽ tính tới việc khảo sát xây dựng các bản làng ngay trên sườn núi hoặc trên ngọn đồi theo phương châm an toàn, ổn định và phát triển.
Có như vậy vừa bảo đảm được tính mạng cho người dân, vừa không phá vỡ tập quán sản xuất của một số bà con dân tộc. Chúng tôi cũng sẽ thiết kế lại cấu trúc nhà ở cho dân ở công trình cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long để người dân vào sống an toàn và thuận tiện sinh hoạt.
- Xin cảm ơn ông!
Tối 22-9, một cơn bão đã vượt qua phía Bắc đảo Lu Zon (Philippines) vào biển Đông - cơn bão số 7. Hồi 19 giờ, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 20 độ vĩ Bắc; 119 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. |
THÀNH NAM